Ngay sau khi cổ phiếu VFS lên sàn Nasdaq, cổ phiếu VIC cũng tăng kịch trần
Tổng giám đốc VinFast: Niêm yết sàn Mỹ sẽ truyền cảm hứng và mở cơ hội cho doanh nghiệp Việt "Lướt sóng" cổ phiếu tăng nóng: Cẩn thận "mắc cạn" |
Cổ phiếu VFS của VinFast chính thức chào sàn Nasdaq, cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup - CTCP (HOSE: VIC) cũng tăng trần trong phiên sáng 16/8, với khối lượng giao dịch gần 14,2 triệu cổ phiếu (cp). Trong đó, khối lượng dư mua giá trần là 75.600 đồng/cp, với hơn 4,86 triệu đơn vị.
Tối ngày 15/8 (giờ Việt Nam), cổ phiếu VFS của VinFast chính thức chào sàn Nasdaq, đánh dấu bước tiến lớn trên con đường hiện thực hóa giấc mơ toàn cầu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Theo đó, cổ phiếu VFS chào sàn ở mức giá 22 USD/cp.
Cổ phiếu VIC tăng kịch trần trong suốt 2 phiên ngày 16/8. Ảnh chụp màn hình |
Mặc dù VFS đã có sự biến động mạnh khi giảm xuống 16 USD/cp nhưng khép phiên giao dịch, VFS đã dừng ở mức 37 USD/cp. Với mức giá này, vốn hóa của VinFast vượt 85 tỷ USD và lọt top 5 công ty sản xuất xe lớn nhất trên toàn cầu.
Trước đó, VinFast cũng xác lập dấu ấn khác ở đất Mỹ. Cụ thể, ngày 29/7, VinFast đã khởi công xây dựng dự án nhà máy sản xuất xe điện tại hạt Chatham, Bắc Carolina. Chính những bước đi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trước khi lên sàn ở Mỹ, cổ phiếu VFS đã có sự “thăng hoa” trong ngày đầu lên sàn, giúp cho cổ phiếu VIC trên sàn HOSE cũng tăng kịch trần trong phiên giao dịch ngày 16/8.
Nhờ thị trường mở cửa với tâm lý tích cực, thị trường chứng khoán tăng mạnh trong những phút cuối ngày phiên ngày 16/8. Theo đó, kết phiên chiều, VN-Index tăng 9,21 điểm, lên mức 1,243 điểm; HNX-Index tăng 1,11 điểm, lên hơn 252 điểm. Khối lượng giao dịch của VN-Index ghi nhận hơn 1.100 triệu đơn vị, với giá trị hơn 24.000 ngàn tỷ đồng.
Giá cổ phiếu tăng kịch trần ở mức 75.600 đồng/cp. Ảnh chụp màn hình |
Nhận định về cổ phiếu VFS của VinFast bứt phá mạnh mẽ khi chạm cột mốc vốn hóa 85 tỷ USD và vượt qua nhiều ông lớn xe hơi trên toàn cầu, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc VinFast Auto Pte. Ltd., cho biết: "Đà tăng của cổ phiếu VinFast thực sự nằm ngoài sức tưởng tượng và cũng đầy hào hứng". Tuy nhiên, lý do lớn hơn là số lượng lưu hành trên sàn hiện chưa nhiều, trong khi nhu cầu lại rất cao, do đó cổ phiếu cũng tăng vọt. Hiện chỉ khoảng 4,5 triệu cp VFS đang giao dịch tự do trên sàn Nasdaq, trong khi khối lượng giao dịch trên hơn 6 triệu cp trong ngày đầu tiên.
Nhìn chung, cổ phiếu VFS của VinFast đã ít nhiều tác động đến tâm lý tích cực của các nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam, giúp thị trường tăng hơn 8 điểm trong phiên giao dịch ngày 16/8. Tuy vậy, các chuyên gia chứng khoán vẫn khuyến cáo, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng cho ngắn hạn, có thể chốt lời để giảm tỷ lệ margin.
Theo Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), VN-Index có thể giao dịch biên độ 1.220 - 1.250 điểm trong những phiên còn lại của tuần này. Với định giá chung không còn quá rẻ, nhà đầu tư nên chọn lọc các nhóm ngành tiềm năng để theo đuổi chiến lược đầu tư trung dài hạn, có thể chú trọng các nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và thép trong giai đoạn hiện nay. Chiến lược ngắn hạn thiên về chốt lời giảm tỷ lệ margin.
Tương tự, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng, VN-Index nhiều khả năng sẽ sớm gặp áp lực điều chỉnh trở lại quanh ngưỡng cản gần 1.240 (+/-5 điểm), mức hỗ trợ sẽ nằm quanh 1.200 điểm (+/-10 điểm). Theo đó, nhà đầu tư nên bán hạ một phần tỷ trọng trading ngắn hạn trong các nhịp hồi phục và chỉ kê mua trở lại khi chỉ số về lại các vùng hỗ trợ.
VN-Index tăng mạnh hơn 9%, nâng chỉ số lên hơn 1.243 điểm trong phiên chiều 16/8. Ảnh chụp màn hình |
Còn theo Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), hiện tại thị trường đang ở nền tảng tích lũy và vẫn có thể kéo dài thêm trạng thái đi ngang trước ngưỡng cản quan trọng 1.300 điểm. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên giải ngân khi thị trường phát ra tín hiệu phá vỡ nền tích lũy.
Về góc nhìn trung hạn, thị trường đã hình thành Uptrend và VN-Index về lý thuyết sẽ không gặp nhiều ngưỡng cản mạnh cho đến khu vực 1.300 điểm. Theo đó, nhà đầu tư trung, dài hạn nếu cơ cấu tốt thì hoàn toàn có thể tiếp tục nắm giữ, trong trường hợp muốn gia tăng tỷ trọng có thể tận dụng mua vào ở các nhịp điều chỉnh, mục tiêu giải ngân đầu tư trung, dài hạn nên hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Chiến lược giải ngân trung - dài hạn nên là gia tăng giải ngân trong các giai đoạn thị trường điều chỉnh giảm.