Ngành thủy sản và đích đến 10 tỷ USD
Kỷ lục mới được thiết lập
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2018, kim ngạch XK thủy sản ước đạt khoảng 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước đó. Đặc biệt, hầu hết các nhóm sản phẩm đều tăng so với năm 2017. cụ thể, cá tra đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,4%; nhóm hải sản gồm cá ngừ 675 triệu USD, tăng 13,9%...
Năm 2018 là năm đầy thử thách đối với ngành thủy sản. Thời tiết diễn biến bất thường, không theo quy luật đã gây khó khăn cho sản xuất thủy sản. Các thị trường chính tăng cường kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm: Mỹ, EU, Hàn Quốc… Đặc biệt, việc EU cảnh báo thẻ vàng đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam XK vào EU cũng gây khó khăn đối với ngành thủy sản trong nước nói chung và ngành khai thác hải sản nói riêng.
Thúc đẩy đầu tư công nghệ cho sản xuất và chế biến thủy sản |
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) - nhận định, với con số XK đạt 9 tỷ USD năm 2018, cho thấy, ngành chế biến, XK thủy sản đang dần hướng tới sự chuyên nghiệp, bài bản trong thực hiện các chiến lược cũng như ứng phó với các rào cản kỹ thuật các nước dựng lên. Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước là đơn vị đảm bảo thực thi và doanh nghiệp (DN) là một mắt xích. Sự liên kết chặt chẽ giữa các mắt xích sẽ tạo động lực để phát triển.
Chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng
Năm 2019, Tổng cục Thủy sản sẽ tập trung đưa Luật Thủy sản năm 2017 vào cuộc sống. Mục tiêu đặt ra của ngành là, giá trị sản xuất tăng 4,25% so với năm 2018, tổng sản lượng thủy sản 7,9 triệu tấn, kim ngạch XK thủy sản phấn đấu đạt 10 tỷ USD. Tôm và cá tra sẽ tiếp tục là 2 sản phẩm chủ lực của ngành.
Bên cạnh những tiềm năng và lợi thế, ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - cho biết: Hiện ngành thủy sản cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Cạnh đó, trong quá trình hội nhập với nhiều Hiệp định thương mại tự do được ký kết, các thị trường có xu hướng gia tăng bảo hộ, đặt ra những rào cản về kỹ thuật để hạn chế sản phẩm thủy sản nhập khẩu của nước khác.
Về tổ chức sản xuất, đối với cá tra, tổ chức sản xuất lớn đã rõ nhưng một số ngành khác như tôm thì sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn khá nhiều. Đây là một trong những hạn chế trong việc nâng cao giá trị của ngành. Ngoài ra, một số lĩnh vực mới như nuôi rô phi, việc tổ chức sản xuất phát triển thị trường mới chỉ là bước đầu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Để đạt được mục tiêu kim ngạch XK 10 tỷ USD trong năm 2019, ngành thủy sản cần quyết tâm lớn. Theo đó, cần tập trung khai thác đồng bộ các nội dung của Luật Thủy sản; tập trung tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với hải sản Việt Nam để tạo niềm tin tổ chức ngành thủy sản hiệu quả, bền vững, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng DN, ngư dân và các địa phương trong thực hiện và triển khai Luật Thủy sản. Bên cạnh đó, cần tập trung đánh giá lại cơ cấu tổ chức của ngành. Chú trọng phát triển bền vững các đối tượng nuôi chủ lực là cá da trơn và tôm nước lợ theo hướng nuôi trồng, chế biến các sản phẩm áp dụng công nghệ cao.
Xuất khẩu thủy sản năm 2019 đặt mục tiêu 10 tỷ USD |
Ông Phan Thanh Lộc - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Food – chia sẻ: Theo ước tính, với hơn 500.000 tấn phụ phẩm tôm mỗi năm và trình độ công nghệ tiên tiến, thế giới có thể tạo ra gần 2 tỷ USD so với khả năng chúng ta chỉ tạo ra khoảng gần 300 triệu USD. Nguyên nhân chính là khoảng cách về công nghệ, máy móc thiết bị, phát triển ứng dụng cũng như chiến lược thương mại hóa chưa được định hướng đồng bộ.
Ông Phan Thanh Lộc nhận định, khác với nhiều ngành công nghiệp khác, phụ phẩm nếu không xử lý thì giá trị sẽ mất ngay chưa kể có thể trở thành hiểm họa môi trường. Nếu chúng ta có các định hướng để công nghiệp hóa, thương mại hóa thì khoảng cách 1,7 tỷ USD sẽ chắc chắn giảm dần theo thời gian, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, giúp chuyển dịch nền kinh tế sang chế biến sâu.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Đình Luân cho hay: Các nhà máy chế biến của Việt Nam đều đạt những tiêu chuẩn, quy chuẩn mà các nước nhập khẩu khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU đã đánh giá và công nhận. Mục tiêu là phải chế biến sâu và tăng cường chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng, đặc biệt là phải chế biến hết, không để nguyên liệu dư thừa.
Trong thời gian tới, ngành thủy sản cần thiết phải đầu tư khoa học công nghệ, tận dụng một cách tốt nhất nguồn nguyên liệu sẵn có, biến thành những sản phẩm có giá trị gia tăng có thể phục vụ cho con người, phục vụ cho ngành y tế. “Da cá tra là nguồn nguyên liệu để thu collagen, phục vụ cho khách hàng cao cấp. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy có những phần trong cá tra như bột xương, bột canxi nano hay rất nhiều những sản phẩm từ dầu cá có thể chuyển thành các sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc mỹ phẩm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng với các DN tiếp tục nghiên cứu để có những sản phẩm như vậy”, ông Trần Đình Luân nói.
Cạnh đó, vấn đề phát triển thị trường với các sản phẩm mới cũng cần đặc biệt chú trọng. Đối với mỗi sản phẩm mới, cần có hỗ trợ của toàn hệ thống, đặc biệt các cơ quan tham tán của Việt Nam ở nước ngoài, giúp cho các sản phẩm có thể tiếp cận thị trường nhanh nhất, tốt nhất và hiệu quả nhất.
Năm 2018 khép lại, những con số kỷ lục ngành thủy sản sẽ là nền tảng quan trọng để hoàn thành mục tiêu cho năm 2019. Song, để hoàn thành mục tiêu, bên cạnh xây dựng chuỗi liên kết, thì sự nỗ lực của DN và cơ quan chức năng chính là yếu tố quan trọng để tôm, cá Việt vượt qua những rào cản, tiếp tục hành trình vượt đại dương.
Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký VASEP: Thách thức lớn của ngành thủy sản Việt Nam trong thời gian tới là các thị trường lớn ở châu Âu, Mỹ đang tiếp tục áp dụng chương trình kiểm soát nhập khẩu. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của các DN, vẫn cần cần sự đồng hành, chung tay của các cơ quan chức năng. |