Ngành điều Việt Nam cần chính sách bảo vệ
Xuất khẩu điều tăng mạnh nhưng vì sao doanh nghiệp chưa hết lo? Dự báo ngành điều Việt Nam sẽ đạt được con số xuất khẩu kỷ lục trên 4,5 tỷ USD |
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2024 xuất khẩu hạt điều đạt 669.543 tấn, tương đương gần 3,98 tỷ USD, giá trung bình 5.943 USD/tấn, tăng 15,2% về khối lượng, tăng 20,6% về kim ngạch và tăng 4,6% về giá so với 11 tháng đầu năm 2023.
Nguyên liệu điều thô châu Phi góp phần lớn vào kết quả xuất khẩu của ngành điều Việt Nam |
Riêng tháng 11/2024 ước đạt 59.699 tấn, tương đương 396,58 triệu USD, giá trung bình 6.643 USD/tấn, giảm 8,5% về lượng, giảm 6,6% kim ngạch nhưng tăng 2,1% về giá so với tháng 10/2024; còn so với tháng 11/2023 cũng giảm 6,8% về lượng nhưng tăng 12,6% kim ngạch và tăng 20,9% về giá. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu chủng loại hạt điều W320, W240, W180, chiếm 63,5% tổng lượng và 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên kỷ lục mới trong tháng cuối năm. Nhiều khả năng, năm nay ngành điều sẽ đạt được con số xuất khẩu kỷ lục trên 4,5 tỷ USD, nhờ nhu cầu ổn định tại thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc. Các thị trường này đều có nhu cầu tiêu thụ cao vào dịp cuối năm và các lễ hội truyền thống.
Hiện, ngành điều Việt Nam vẫn đang tiếp tục duy trì vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu điều nhân chế biến trong gần hai thập kỷ qua. Hạt điều nhân của Việt Nam hiện đã có mặt trên các kệ hàng của trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đều qua các năm.
Mặc dù xuất khẩu tăng mạnh, xấp xỉ 4 tỷ USD trong 11 tháng qua, nhưng đằng sau con số xuất khẩu này còn nhiều điều đáng bàn. Đó là mức chi nhập khẩu điều cũng tăng mạnh theo xuất khẩu. Số liệu của Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2024, cả nước đã chi 3,040 tỷ USD để nhập khẩu điều, giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ.
Như vậy, ngành điều xuất khẩu nhiều nhưng nguyên liệu lại không do trong nước cung ứng mà phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu từ bên ngoài, cán cân thương mại xuất siêu 940 triệu USD trong 11 tháng. Công suất chế biến của các nhà máy điều mỗi năm cần khoảng 3-3,5 triệu tấn điều thô, tuy nhiên, sản lượng điều thô trong nước chỉ khoảng 300.000-350.000 tấn, tức chỉ tương đương 10%. Thiếu hụt nguồn nguyên liệu tại chỗ không phải là câu chuyện mới của ngành điều.
Ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam – thông tin, ngành điều Việt Nam hiện dẫn đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu và cũng đứng đầu về nhập khẩu nguyên liệu. Điểm đặc biệt của ngành điều so với các ngành nông sản khác là 90% nguyên liệu phải nhập khẩu, chủ yếu từ châu Phi và Campuchia, trong khi nguồn cung trong nước rất hạn chế.
Nguyên liệu điều thô châu Phi góp phần lớn vào kết quả xuất khẩu của ngành điều Việt Nam. Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu khiến ngành hàng này gặp rủi ro nhiều hơn. Ông Bạch Khánh Nhựt cho hay, trước đây, chế biến hạt điều được thực hiện thủ công, nhưng trong 15 năm gần đây, ngành đã tự động hóa nhờ vào sự sáng tạo của người Việt trong việc chế tạo máy móc, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu.
Nhận thức được giá trị của ngành điều, các quốc gia châu Phi đã đưa ra các chính sách nhằm giữ lại nguồn nguyên liệu để chế biến trong nước, qua đó gia tăng giá trị gia tăng. Cụ thể, họ áp thuế xuất khẩu đối với nguyên liệu thô, đồng thời miễn thuế đối với các sản phẩm sơ chế và chế biến.
Điều này khiến các quốc gia này tập trung vào chế biến tại chỗ, còn những dòng nguyên liệu kém chất lượng hoặc khó chế biến thì chuyển sang Việt Nam, tận dụng tay nghề khéo léo của công nhân Việt Nam để hoàn thiện sản phẩm.
Việc này có thể "bóp chết” ngành điều. Lý do là các nhà máy chế biến điều tại Việt Nam đã đầu tư lớn, với giá trị mỗi nhà máy lên tới 300-500 tỷ đồng. Nếu những nhà máy này không hoạt động hiệu quả, chúng sẽ trở thành những đống sắt vụn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành.
Thêm vào đó, việc các nhà máy gặp khó khăn sẽ dẫn đến mất việc làm cho một lượng lớn công nhân tại khu vực Đông Nam Bộ, đặc biệt là tại Bình Phước – nơi có nhiều người nghèo và dân tộc thiểu số, những đối tượng vốn rất khó tìm được công việc khác.
Hiệp hội Điều Việt Nam cũng kiến nghị cần kiểm soát chặt chẽ các dòng sản phẩm nhập khẩu này, có thể thông qua chính sách thuế nhập khẩu. Nếu không có các biện pháp kiểm soát, các doanh nghiệp sẽ chuyển hướng đầu tư sang châu Phi – nơi có nguồn nguyên liệu thuận lợi và gần với thị trường EU, điều này sẽ gây khó khăn cho ngành điều Việt Nam.