Ngành chăn nuôi trước hội nhập: Tạo ‘cú hích’ cho doanh nghiệp
DN đầu tư vào nông nghiệp chưa được hưởng nhiều ưu đãi
Từ những khởi đầu…
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, từ thực tế câu chuyện một lãnh đạo DN ngành chăn nuôi ở Việt Nam sang Thái Lan học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi và nhận thấy rằng, những việc mà Thái Lan làm được thì Việt Nam chưa làm chứ không phải không làm được. Sau đó, chính DN này về nước đã đầu tư phát triển chăn nuôi và thành công. Đó là một bài học thực tế rằng, nếu ở nước ta, DN đầu tư mạnh vào chăn nuôi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ thì ngành chăn nuôi sẽ phát triển được trước yêu cầu của hội nhập, đặc biệt là ‘làn sóng’ TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương).
Trao đổi với phóng viên, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, không ai có thể phủ nhận việc áp dụng những tiến bộ khoa học mới nhất vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi sẽ tạo ra những hiệu quả rõ rệt. Đáng mừng là gần đây một số DN lớn trong ngành như Vinamilk, TH True Milk, Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai… đã chú trọng đầu tư các quy trình công nghệ hiện đại để sản xuất những sản phẩm có đủ khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Ông Hoàng Công Trang - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TH cho hay, Tập đoàn TH đã thực hiện mô hình sản xuất sữa tươi sạch nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại của thế giới, nhằm đón đầu xu thế và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu hội nhập TPP. Hiện nay, sản phẩm sữa tươi sạch TH đảm bảo cạnh tranh ngang bằng về chất lượng với sản phẩm từ 3 cường quốc sữa là Úc, Mỹ, New Zealand, được công nhận thực phẩm tốt nhất ASEAN.
Đại diện Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu bày tỏ, để phát huy tốt những lợi thế sẵn có khi gia nhập TPP, công ty đã tiến hành đầu tư các trại chăn nuôi tập trung với quy mô 1.000 con/trại, đồng thời áp dụng các công nghệ chăn nuôi hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ. Bên cạnh đó, công ty đã đầu tư nhà máy chế biến thức ăn hỗn hợp với công suất trên 20.000 tấn/năm, đủ cung cấp thức ăn có chất lượng cho đàn bò. Đồng thời, nhà máy chế biến sữa cũng được đầu tư công nghệ hiện đại, theo tiêu chuẩn châu Âu.…
‘Đột phá’ về chính sách hỗ trợ
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng, cả nước chỉ có gần 400 DN đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, nhưng lại chủ yếu là các DN về thức ăn chăn nuôi, còn số DN về chăn nuôi thực thụ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Để tạo sự đột phá cho ngành chăn nuôi, cần phải lôi kéo các DN lớn vào cuộc.
Ông Phạm Đức Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, thời gian qua, DN vẫn phải tự đi bằng đôi chân của mình. Mặc dù, một số chính sách hỗ trợ đã có như Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn quy định: những dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc có quy mô tập trung sẽ được hỗ trợ về vốn nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng về điện nước, nhà xưởng, xử lý chất thải, mua thiết bị.… Tuy nhiên, thực tế cho thấy DN và người chăn nuôi khó tiếp cận được với các ưu đãi này do thủ tục hồ sơ phức tạp, chậm và chưa rõ ràng. Chưa kể, vẫn còn thiếu các chính sách hỗ trợ cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hỗ trợ lãi suất vốn vay. Đặc biệt, quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất thải chăn nuôi quá cao, khi lấy tiêu chuẩn về nước thải công nghiệp áp vào ngành chăn nuôi.
Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi đồng tình, tiến độ triển khai Nghị định 210/2013/NĐ-CP còn rất chậm, khả năng tiếp cận chính sách ưu đãi của DN hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Nên chăng, cần có cơ chế giao cho ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố nghiên cứu đề xuất danh mục dự án đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố phê duyệt. Khi đó, các DN làm giống, chăn nuôi hay chế biến thực phẩm sẽ biết được danh mục ưu đãi để tiếp cận, hưởng thụ chính sách. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi đất đai và minh bạch thủ tục cho các DN đầu tư vào chăn nuôi.
Theo Tiến sĩ Đoàn Xuân Trúc - Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, để giảm bớt khó khăn cho ngành chăn nuôi giai đoạn hội nhập, Chính phủ cần áp dụng cơ chế tín dụng đặc biệt cho ngành chăn nuôi như được vay lãi suất ưu đãi theo chu kỳ sản xuất, xóa bỏ các khoản phí, lệ phí chăn nuôi, thú y không hợp lý.…
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, đầu tư vào nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng có rất nhiều rủi ro. Do đó, Nhà nước phải ‘đồng hành’ cùng DN, những chính sách hỗ trợ phải được xây dựng xuất phát từ những khó khăn mà ngành chăn nuôi gặp phải và hướng đến tháo gỡ kịp thời những vấn đề này. |
Quỳnh Nga & Lan Anh