Ngành chăn nuôi: Bứt phá về đích
Ông có thể chia sẻ những nét nổi bật của ngành chăn nuôi trong một năm qua?
Năm 2016, ngành chăn nuôi có 5 vấn đề nổi bật. Thứ nhất, tăng trưởng đạt mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây với mức tăng trưởng toàn ngành đạt hơn 6%.
Thứ hai, công tác giống tạo bước đột phá, cải tiến đáng kể. Hiện nay, nói về giống lợn, chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo 100% giống tốt nhất của thế giới. Liên quan đến giống đại gia súc, chúng ta đã chủ động được gần như cơ bản giống và công tác thụ tinh nhân tạo bằng 2 giải pháp: Sản xuất tại chỗ 1,2 triệu liều và nhập khẩu khoảng 2,5 triệu liều, đủ để thụ tinh cho 100% đàn bò sữa và 45% đàn bò thịt. Ngoài ra, giống sản xuất trong dân cũng rất ổn định và tốt. Đối với giống gia cầm sản xuất trong nước chúng ta có nhiều. Tổng đàn gia cầm tăng rất mạnh, khoảng 8%.
Thứ ba, đã bắt đầu xuất hiện sự liên doanh liên kết dọc giữa doanh nghiệp (DN), người sản xuất và thị trường. Hiện nay đã hình thành được một số chuỗi rất cơ bản, nổi bật là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Thứ tư, hiện nay đang du nhập công nghệ tiên tiến nhất về chăn nuôi với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cũng như điều hành sản xuất. Ngoài ra, phát triển từ gia trại lên trang trại rất mạnh, trang trại chăn nuôi gần như phổ biến trong các tỉnh và cả nước. Chăn nuôi gia cầm vẫn giữ nhịp độ đứng đầu Đông Nam Á về số lượng, dao động 70-90 triệu con/năm. Người chăn nuôi bắt đầu chú trọng đến an toàn thực phẩm.
Thứ năm, tái cơ cấu đã biểu hiện rõ, nhiều nơi có lãi rất tốt, nhiều người giàu lên từ chăn nuôi.
Được đánh giá là điểm sáng của ngành nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, theo ông, bước sang năm mới, ngành chăn nuôi sẽ phải làm gì để có thể tiếp tục đứng vững và phát triển trong hội nhập kinh tế quốc tế?
Trong hội nhập thì có ba vấn đề lớn mà chúng ta cần phải giải quyết. Đầu tiên là giá thành sản phẩm. Giá thành sản xuất lợn hơi của chúng ta hiện đứng ở mức trung bình, chỉ thấp hơn Trung Quốc, Hàn Quốc và cao hơn hầu hết các nước như Thái Lan, Mỹ, Đan Mạch, Canada, Pháp.... Đối với gia cầm, hiện giá thành của chúng ta vẫn cao hơn các quốc gia trong khu vực và các quốc gia tiên tiến khoảng từ 17-18%. Ví dụ như một kilogam gia cầm trắng nuôi khoảng 40 ngày tuổi, ở các quốc gia khác có giá khoảng 18-21 nghìn đồng, còn ở Việt Nam vẫn là 25,2 nghìn đồng. Đây là thách thức mà chúng ta cần phải vượt qua.
Thứ hai là về thương hiệu, tại các quốc gia trên thế giới, họ tiêu thụ tốt sản phẩm dựa vào thương hiệu truyền thống. Ví dụ như nói đến thịt bò thì thường nhắc đến các nước phát triển như Úc, New Zealand, Brazil, Pháp hoặc Mỹ..., nói đến thịt lợn là nghĩ đến Mỹ, thịt gà là Thái Lan.
Nếu chúng ta muốn đưa sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vượt ra khỏi biên giới, cạnh tranh ngay trong khu vực thì dứt khoát tất cả các sản phẩm của chúng ta phải có thương hiệu. Thương hiệu ở đây có hai loại, thứ nhất là thương hiệu nội địa, bao gồm chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn sản phẩm; thứ hai là thương hiệu quốc tế được bảo trợ bởi các hiệp hội hoặc được chứng nhận bởi các cơ quan có thẩm quyền trong nước và quốc tế. Ở Việt Nam, chúng ta đã có một số thương hiệu hoặc một số chỉ dẫn địa lý, tuy nhiên quy mô, diện tích vùng của sản phẩm chưa lớn.
Khó khăn thứ ba là việc xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Thực ra chúng ta không thiếu gạo hay thịt, nhưng tại sao ở một số nơi, một số vùng vẫn so sánh thịt ngoại, trứng ngoại hay sữa ngoại tốt hơn. Cái chính ở đây là công tác xúc tiến và quảng bá sản phẩm của cơ quan quản lý cũng như người chăn nuôi chưa quyết liệt, chưa đầy đủ và chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Điều này khiến chúng ta tạo ra những sản phẩm tốt nhưng ít người biết, ngon nhưng nhiều người không ăn, đẹp nhưng ít người nhìn thấy khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn.
Vậy phải có giải pháp gì để khắc phục những khó khăn mà ông vừa nêu?
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có tái cơ cấu ngành chăn nuôi, mục tiêu sống còn của ngành chăn nuôi từ nay đến năm 2020 là tái cơ cấu. Theo đó, ngành chăn nuôi tập trung vào 4 nội dung chính:
Thứ nhất là khâu giống thông qua việc xây tháp giống quốc gia, đủ cung cấp sản phẩm giống tốt, phù hợp với từng khu vực cũng như từng địa phương, trong đó đặc biệt lưu ý đến các giống bản địa. Bên cạnh đó, chúng ta phải tiếp cận tất cả những giống tốt nhất của thế giới.
Thứ hai là khâu tổ chức sản xuất với 3 việc cần phải làm, đó là khuyến khích DN, coi DN là trung tâm của sự phát triển, là đầu tàu lôi kéo nông dân, hợp tác xã, trang trại. Bên cạnh đó, tổ hợp tác, hợp tác xã phải được thành lập kết nối với DN và thị trường.
Thứ ba, nhất thiết phải rà soát lại hệ thống quản lý và nâng cao hệ thống quản lý kiểu mới bằng công nghệ thay cho việc quản lý hành chính trước đây.
Thứ tư, liên quan đến khối chăn nuôi nông hộ, mặc dù số lượng giảm dần nhưng trong 5-10 năm tới khối này vẫn giữ vai trò quan trọng vì đó là sinh kế của hàng triệu hộ nông dân Việt Nam. Để tháo gỡ khó khăn cho khối này, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng suất chăn nuôi nông hộ, giúp họ có điều kiện tốt hơn để chăn nuôi sản xuất, tiếp cận khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra được sản phẩm tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!