Nâng cao công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thương mại điện tử
Longform | Lực lượng Quản lý thị trường quyết tâm giữ ổn định thị trường trước, trong và sau Tết 2023 “Tiền mất tật mang” từ quảng cáo "thổi phồng" công dụng thực phẩm chức năng |
Kiểm tra, xử lý nhiều vụ vi phạm
Báo cáo về tình hình hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường trong năm 2022, ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - cho biết, trong năm 2022, chất lượng các cuộc thanh kiểm tra ngày càng tốt, đặc biệt là các vụ việc kiểm tra, xử phạt mang tính đột xuất. Cả năm 2022, toàn lực lượng đã tiến hành thanh kiểm tra đột xuất 34.094 vụ, xử lý 33.368 vụ (chiếm 98%).
Cùng với đó, công tác kiểm tra định kỳ được duy trì thường xuyên, thanh tra chuyên ngành cũng được chú trọng, quan tâm. Các mặt hàng, lĩnh vực mà lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, thanh tra rất đa dạng, phong phú, ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Bên cạnh mặt hàng xăng dầu, năm 2022, toàn lực lượng đã tập trung kiểm tra những mặt hàng trọng tâm có nhu cầu tiêu dùng cao như quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc. Điển hình, thời gian gần đây, lực lượng Quản lý thị trường đã đồng loạt kiểm tra Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, chợ Tân Thành tại TP. Hồ Chí Minh, phát hiện, thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm tiêu dùng có dấu hiệu giả các thương hiệu nổi tiếng; 5 kho chứa và xưởng sản xuất, pha chế hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả các thương hiệu với số lượng lớn ở huyện Bình Chánh...
Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị nhằm xử lý vi phạm |
Đáng chú ý, trong lĩnh vực thương mại điện tử, kiểm tra 774 vụ, xử lý 439 vụ, 02 vụ chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra, phạt tiền gần 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 11,5 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - cho biết, hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển, trở thành kênh phân phối hiện đại quan trọng trong sự phát triển kinh tế hiện nay. Bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số.
Năm 2022, theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Theo báo cáo do eMarketer, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. |
Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay, thương mại điện tử xếp thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp - được ghi nhận là một trong mười sự kiện nổi bật của ngành Công Thương trong năm 2022. Có được kết quả như vậy là nhờ sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Lãnh đạo Bộ Công Thương, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của lực lượng Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan.
Bổ sung nhiều chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thương mại điện tử
Cùng với đó, trong công tác giám sát, thực thi pháp luật thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã chủ động và tích cực phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường trong việc phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm về thương mại điện tử; Đào tạo tập huấn nghiệp vụ về thương mại điện tử, kỹ năng thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cho các cán bộ Quản lý thị trường ở các địa phương.
Song song với đó, thực hiện Quyết định số 3304/QĐ-BCT và Quyết định số 2981/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp Tổng cục xử lý nhiều vụ việc lớn như: Ansancosmetics.com, phuonghahamnghi.vn, myphamcuaphung.com, taga.vn, youmefashion.vn, vutru.vn; phutunganhem.com, … Phát hiện và tạm/thu giữ hơn hàng trăm ngàn đơn vị hàng nước hoa, túi xách, thắt lưng, ví, giầy, quần áo, thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và rượu, phụ tùng xe máy,…, do nước ngoài sản xuất, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam và không có hóa đơn chứng từ hợp pháp theo quy định.
Hàng năm, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và Tổng cục Quản lý thị trường, các Sở Công Thương địa phương, Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng Quản lý thị trường với trên 1.500 lượt cán bộ tham dự.
Bên cạnh đó, Cục đã phối hợp Tổng cục xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2022/NĐ-CP, trong đó bổ sung nhiều chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử đặc biệt với đối tượng cung cấp thông tin hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm. Thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ, Cục đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt: “Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025”.
Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh, trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng sau:
Một là, trình Chính phủ, Lãnh đạo Bộ ban hành các chính sách, pháp luật để đảm bảo thị trường kinh doanh được minh bạch và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định các sản phẩm hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Hai là, tăng cường phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa Cục và Tổng Cục về các đối tượng lợi dụng các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả;
Ba là, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thực thi công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử của Tổng cục Quản lý thị trường; Tổ chức các hội thảo, hội nghị về công tác chống hàng giả.
Bốn là, tuyên truyền, cảnh báo và phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao trách nhiệm của các chủ sở hữu website thương mại điện tử đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó tiếp tục thực hiện các Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử”, giải quyết tranh chấp, khiếu nại trực tuyến.
Năm là, nghiên cứu và xây dựng giải pháp tổng thể bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử bao gồm: Xây dựng các giải pháp và các hệ cơ sở dữ liệu tập trung các bộ ngành cho phép kết nối, chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành trong công tác phát hiện sớm, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả trong Thương mại điện tử; Phối hợp triển khai “Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025”.
Đánh giá kết quả thực hiện trong năm 2022 của lực lượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An ghi nhận, năm vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường đã nỗ lực, triệt phá một số vụ việc lớn. Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả Quản lý thị trường không đơn giản, những con số về vụ việc kiểm tra, xử lý được nêu ra đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của Quản lý thị trường trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Quản lý thị trường, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường cần thay đổi, đổi mới phương thức tác nghiệp, kết hợp với các hệ thống, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, cần bám sát địa bàn, gắn trách nhiệm của cán bộ công chức với địa bàn. Đặc biệt, tuyệt đối không xa rời sự chỉ đạo của cấp chính quyền địa phương.
Tính chung cả năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thanh, kiểm tra 70.902 vụ; phát hiện, xử lý 43.989 vụ vi phạm (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021); chuyển cơ quan điều tra 127 vụ việc có dấu hiệu tội phạm (giảm 24% so với cùng kỳ năm 2021). Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 490 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021). Trị giá hàng tịch thu gần 96 tỷ đồng, trị giá hàng hóa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hơn 19 tỷ đồng. |