“Tiền mất tật mang” từ quảng cáo "thổi phồng" công dụng thực phẩm chức năng
Thuốc và thực phẩm chức năng giả: Hệ luỵ và những giải pháp |
Tràn lan thực phẩm chức năng giả
Theo Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, Việt Nam được đánh giá là có thị trường thực phẩm chức năng phát triển thuộc loại nhanh nhất thế giới. Nếu như năm 2000, Việt Nam chỉ có vài chục loại thực phẩm chức năng và chủ yếu là sản phẩm nhập khẩu, đến nay số lượng đăng ký mới hàng năm đã lên tới hàng chục nghìn sản phẩm.
Trong đó, hơn 70% thực phẩm chức năng trên thị trường là sản xuất trong nước. Trước nhu cầu phòng bệnh hơn chữa bệnh và phù hợp với lối sống xu hướng gần gũi với thiên nhiên hiện nay, thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam đang tăng trưởng 15% mỗi năm.
Ảnh minh họa |
Không thể phủ nhận thực phẩm chức năng đã góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe mọi người. Tuy nhiên, vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng, vấn đề hoàn thiện thể chế, vấn đề hướng dẫn người dân sử dụng làm sao cho đúng với tác dụng và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Thực tế, đã xảy ra trường hợp, nữ bệnh nhân V.T.T. (25 tuổi, Lâm Đồng) đến Bệnh viện Da liễu TP.Hồ Chí Minh khám trong tình trạng cơ thể mệt, trên da xuất hiện ban đỏ, bóng nước và vết trợt chiếm hơn 60% diện tích cơ thể, kèm theo tổn thương niêm mạc mắt, miệng, mũi... Nữ bệnh nhân này có tiền sử bệnh vảy nến nên đã mua thực phẩm chức năng dùng được khoảng 5 - 7 ngày thì trên người xuất hiện vết ban nhỏ, sau đó phát ban. Người bán nói sản phẩm đang phát huy tác dụng thải độc tố nên chị T. tiếp tục sử dụng.
Đến khoảng ngày thứ 18, tình trạng bệnh nặng hơn, tuy nhiên người bán tiếp tục trấn an. Tuy nhiên, đến khi thấy cơ thể đau nhức không chịu nổi, chị T. được người nhà đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán chị T. bị hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) sau khi sử dụng thực phẩm chức năng, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn, ở cả khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu. Thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng được quảng cáo chữa nhiều loại bệnh khác nhau từ chữa xương khớp, tiêu hoá, tim mạch... và cả bệnh ung thư.
Thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng sản xuất trong nước trước đây chủ yếu là sản xuất thủ công nhỏ lẻ hiện nay đã thành quy mô công nghiệp. Đáng lưu ý hơn, thực phẩm chức năng giả không chỉ sản xuất ở Việt Nam mà còn sản xuất ở nước ngoài và đưa về Việt Nam tiêu thụ.
Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ sản xuất, vận chuyển, mua bán thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, có đợt bắt cả chục tấn nguyên liệu làm giả. Điển hình, giữa năm 2022, Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố, bắt tạm giam 2 giám đốc sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng với số lượng lớn là Vũ Văn Sỹ, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao UEPHA (xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) và Ong Thị Vân, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và đầu tư Nam Phong (Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Trước đó, Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt quả tang công ty của Vũ Văn Sỹ sản xuất hàng giả là thực phẩm chức năng Collagen, thu 16 thùng chứa các viên nang Collagen với tổng trọng lượng khoảng 600kg; 13 thùng chứa vỏ hộp giấy, hộp nhựa, tem nhãn Collagen, 3 máy khò…
Mới đây, đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội vừa phối hợp Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện, bắt giữ quả tang một nhóm đối tượng đang sản xuất thực phẩm chức năng tăng, giảm cân giả.
Bùng nổ thị trường online
Cùng với môi trường truyền thống, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận định, tình trạng vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng trên nền tảng công nghệ số, đặt biệt là mạng xã hội đang ở mức đáng báo động. Không chỉ thổi phồng công dụng, vượt quá nội dung quảng cáo đã thẩm định, hình thức vi phạm quảng cáo đang ngày càng tinh vi, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh, rất dễ bị mắc bẫy. "Các sản phẩm thực phẩm chức năng, trong đó có sản phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ được tiến hành quảng cáo khi đã đăng ký với cơ quan quản lý và chỉ được quảng cáo 4 nội dung đã được thẩm định" - Ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lê thông tin, thương mại điện tử phát triển vượt bậc là một cơ hội tốt để các đối tượng lợi dụng để bán thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng cùng với sự dàn dựng quảng cáo của những người nổi tiếng trên mạng xã hội. Việc giám định thực phẩm chức năng đòi hỏi kinh phí lớn và thời gian dài để thẩm tra, xác minh chính vì vậy không kịp thời ngăn chặn được ngay từ nguồn.
Đặc biệt, lợi nhuận của hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng là rất lớn. Ý thức của người tiêu dùng chưa cao; vẫn tự ý mua thực phẩm chức năng không qua tư vấn của cơ quan đơn vị có chuyên môn hoặc mua theo trào lưu. "Có khoảng 60% gian lận trên nền tảng thương mại điện tử. Trận chiến hàng giả ở kênh này gặp rất nhiều khó khăn do sản phẩm không xuất hiện trên thị trường, mà chỉ len lỏi trong các hội nhóm nên việc phát hiện hàng giả là vấn đề khó. Hậu quả, nhiều người dân tự mua thực phẩm chức năng sử dụng dẫn đến tình trạng suýt tử vong mà tưởng đang... thải độc" - ông Nguyễn Đức Lê cho biết.
Trên thực tế hiện nay nhiều người dân khi thấy quảng cáo thực phẩm chức năng chữa "bách bệnh" nhưng không được tư vấn, hướng dẫn mà đã sử dụng dẫn đến "tiền mất tật mang". Nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về thực phẩm chức năng, thiếu tư vấn, hướng dẫn. Theo đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, trước tình hình thị trường thực phẩm chức năng nhiều biến tướng như hiện nay, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác hậu kiểm, tăng cường sự hướng dẫn sử dụng của các cơ quan chuyên môn. Các cơ sở kinh doanh, thực phẩm chức năng vì sự phát triển bền vững của chính mình, cần đảm bảo các quyền của người tiêu dùng theo quy định, hỗ trợ, hướng dẫn người tiêu dùng.
Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ cho rằng, Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan cùng với các doanh nghiệp phải có sự đồng lòng, chung tay góp sức trong hoạt động chống thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng.
Cùng với đó, Hiệp hội Thực phẩm chức năng phải là đầu mối quy tụ doanh nghiệp, người tiêu dùng phối hợp với cơ quan chức năng trong đấu tranh chống thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng.
Theo ông Lê, các đơn vị có liên quan cần phải có những công cụ, giải pháp tiên tiến được pháp luật thừa nhận để có thể hỗ trợ cho lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ; có cơ sở để đánh giá, xác minh nhanh độ thật, giả của sản phẩm thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường. Đặc biệt, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức, không tự ý tự ý mua thực phẩm chức năng không qua tư vấn của cơ quan, đơn vị có chuyên môn hoặc mua theo trào lưu hoặc trên các chợ mạng.
Đồng thời, doanh nghiệp, người tiêu dùng phát hiện thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng cần phản ánh ngay đến lực lượng Quản lý thị trường thông qua số đường dây nóng đăng tải tại địa chỉ dms.gov.vn để tiếp nhận và xử lý kịp thời.
Theo thống kê của Cục An toàn Thực phẩm, năm 2020 có 48 cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng với số tiền xử phạt hành chính hơn 2,2 tỷ đồng. Năm 2021 là 28 cơ sở với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng; năm 2022 là 28 cơ sở với số tiền là hơn 1,2 tỷ đồng. |