Mỹ trở thành thị trường hàng đầu cho xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam
Xuất khẩu hồ tiêu Việt sang nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng hơn 90% Xuất khẩu hồ tiêu Việt chính thức trở lại câu lạc bộ tỷ USD |
Theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC), nhập khẩu hồ tiêu của Mỹ trong tháng 8 đạt 7.372 tấn, giảm 28% so với tháng trước nhưng tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, nhập khẩu tiêu của Mỹ đã tăng trưởng 8 tháng liên tiếp so với cùng kỳ năm ngoái.
Do đó, tổng lượng nhập khẩu hồ tiêu của Mỹ trong 8 tháng đầu năm đạt 63.294 tấn, trị giá 306,9 triệu USD, tăng 37% về lượng và tăng 44,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường cung cấp, Việt Nam tiếp tục là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất vào Mỹ trong 8 tháng đầu năm, chiếm 78% dung lượng nhập khẩu của thị trường với khối lượng đạt 49.277 tấn, trị giá hơn 235,2 triệu USD, tăng 35,4% về lượng và tăng 46,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, Mỹ hiện cũng là khách hàng lớn nhất của ngành hồ tiêu Việt Nam.
Hồ tiêu Việt Nam chiếm thị phần lớn tại Mỹ nhờ mức giá tốt và chất lượng ngày càng cao nên được thị trường này ưa chuộng. Ngành hồ tiêu Việt Nam cũng được đánh giá cao về năng lực chế biến với tỷ lệ hàng qua chế biến chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Việt Nam tiếp tục là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất vào Mỹ trong 8 tháng, chiếm 78% dung lượng nhập khẩu của thị trường. Ảnh:NH |
Xét về nhu cầu tiêu thụ, Mỹ hiện đang là quốc gia nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Trong 3 năm trở lại đây, nước Mỹ chi từ 320 – 440 triệu USD/năm để nhập khẩu mặt hàng gia vị này, tương đương 19 – 20% thương mại hồ tiêu toàn cầu.
Trong khi đó, Mỹ cũng tăng nhập khẩu tiêu từ các nhà cung cấp khác như: Ấn Độ đạt 4.916 tấn, tăng 24,4% và chiếm 7,8% thị phần; Indonesia đạt 4.698 tấn, tăng tới 111,7% và chiếm 7,4%; Brazil đạt 2.385 tấn, tăng 63,9% và chiếm 3,8%...
Tính chung 8 tháng đầu năm nay, giá tiêu nhập khẩu bình quân vào Mỹ đạt 4.849 USD/tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, giá tiêu nhập khẩu từ Việt Nam tăng 8,4% lên mức bình quân 4.774 USD/tấn; từ Ấn Độ tăng 3,4%, đạt 5.043 USD/tấn; trong khi giá nhập khẩu từ Indonesia và Brazil giảm 17% và 6%, xuống còn 5.117 USD/tấn và 4.175 USD/tấn.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá hồ tiêu thế giới sẽ duy trì ở mức cao trong ngắn hạn do nguồn cung hạn chế.
Về dài hạn, giá hạt tiêu xuất khẩu sẽ vẫn được hỗ trợ, bởi sản lượng mặt hàng này của Việt Nam trong vụ mùa 2025 dự kiến giảm. Vụ hạt tiêu năm 2025 ở nước ta sẽ thu hoạch gần như toàn bộ vào tháng 2, một số vùng kéo dài đến tháng 3 và tháng 4, chậm hơn 1-2 tháng so với những năm trước do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài.
Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), lượng hồ tiêu trong dân gần như không còn, chỉ còn ở trong các đại lý và kho của doanh nghiệp. Dự báo trong 3–5 năm tới, sản lượng hồ tiêu toàn cầu vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Các chuyên gia nông nghiệp cũng đồng tình hồ tiêu đã bước vào chu kỳ tăng giá mới. Chu kỳ này sẽ kéo dài 10-15 năm và giá có thể đạt đỉnh 350.000-400.000 đồng/kg.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (tỉnh Gia Lai), cho rằng giá tiêu năm nay tăng mạnh là do sản lượng tiêu dự báo giảm do hiện tượng El Niño và diện tích gieo trồng giảm đáng kể.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Gia vị Việt Nam (VPSA), lưu ý, giá tiêu giảm những năm trước khiến nhiều người trồng giảm diện tích canh tác, thay thế bằng sầu riêng và các loại cây trồng có giá trị cao hơn. Do đó, nguồn cung hạt tiêu đã giảm đáng kể. Ngoài ra, lượng hàng tồn kho chuyển nguồn từ năm trước là rất ít, trong khi nhu cầu từ các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc đang tăng cao. Ông Bính cho biết thêm, diện tích trồng hạt tiêu vẫn giảm do cây già và thay đổi mùa vụ. Việc trồng mới sẽ không ảnh hưởng đến sản lượng trong ít nhất 4 năm, duy trì tình trạng nguồn cung khan hiếm.
"Với xu hướng hiện nay, sản lượng hạt tiêu toàn cầu không thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nên giá có thể sẽ tiếp tục tăng trong 3-5 năm tới. Người bán đang mong muốn thiết lập sự liên kết ngành hồ tiêu Việt Nam để tránh tình trạng đơn hàng ồ ạt trên thị trường và kiểm soát giá. Nói cách khác, ngành hồ tiêu Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh giữa bên mua và bên bán", bà Liên nhận định.