Một công ty bất động sản chi 500 tỷ làm cổ đông tại TPBank
IFC trở thành cổ đông của TPBank TPBank: Lợi nhuận trước thuế trong quý 1 tăng 2,4 lần so với cùng kỳ Dự báo lợi nhuận ngân hàng MSB, Techcombank, TPBank, VIB, VPBank đi lùi trong quý III/2023 |
Trong báo cáo mới công bố, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Dragon cho biết vừa thực hiện mua vào 27,6 triệu cổ phiếu TPB, tương ứng 1,25% vốn điều lệ Ngân hàng TMCP Tiên Phong. Trước đó, pháp nhân này chưa sở hữu bất kỳ cổ phiếu TPB nào.
Giao dịch được thực hiện vào ngày 6/12. Tạm tính theo giá đóng cửa phiên ở mức 17.400 đồng/cổ phiếu, Bất động sản Dragon đã chi khoảng 500 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ nói trên.
Cuối tháng 11 vừa qua, TPBank thông báo đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho góp vốn, mua cổ phần để mua lại Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Việt Cát (VFC) với số tiền tối đa 125 tỷ đồng |
Đáng chú ý, Phát triển Bất động sản Dragon là công ty có liên quan đến nhóm cổ đông lớn tại TPBank là Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji, bà Đỗ Vũ Phương Anh, Tổng giám đốc Doji và Công ty Cổ phần Hải Phòng Invest.
Sau khi hoàn tất thương vụ mua vào kể trên, nhóm cổ đông này đã nâng sở hữu cổ phiếu TPB lên hơn 205,6 triệu đơn vị, tương đương 11,38% vốn ngân hàng. Lý do thực hiện thương vụ được đưa ra là để mở rộng danh mục đầu tư.
Trong cơ cấu cổ đông hiện nay của TPBank, nhóm cổ đông lớn nhất vẫn là SBI Ven Holdings với 440 triệu cổ phiếu nắm giữ, tương ứng 20% vốn nhà băng. Ngoài ra, nhóm cổ đông cá nhân có liên quan đến anh em ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT và ông Đỗ Anh Tú, Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng cũng đang nắm giữ khoảng 273,7 triệu cổ phiếu TPB, tương đương hơn 12,43% vốn.
Về hoạt động kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của TPBank giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ, đạt 8.429 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại ngân hàng này có khoảng 10 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ, trong đó riêng 9 tháng đầu năm nay có thêm hơn 1,5 triệu khách hàng mới.
Nhờ lượng khách hàng tăng nhanh giúp thu nhập từ dịch vụ của TPBank cũng được đẩy lên cao, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.165 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối 9 tháng đầu năm tăng 32% đạt 437 tỷ đồng trong khi lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng gấp rưỡi đạt 824 tỷ đồng.
Tổng cộng TPBank đạt 6.935 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong 9 tháng đầu năm nay, giảm 9% so với cùng kỳ. Do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng thêm 14% so với cùng kỳ, lên 1.976 tỷ đồng, khiến lợi nhuận 9 tháng của ngân hàng giảm 16% so với cùng kỳ, xuống còn 4.959 tỷ đồng.
Kết thúc 9 tháng đầu năm nay, tổng tài sản của TPBank tăng 5% so với cuối năm trước, đạt trên 344.400 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng ấn tượng với 12% sau 9 tháng, đạt gần 180.000 tỷ đồng. Tuy nhiên huy động vốn khách hàng không tốt như cho vay ra, và gần như không tăng trưởng so với cuối năm ngoái.
Chất lượng tín dụng của TPBank được kiểm soát trong mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước (dưới 3% trên tổng dư nợ), tuy nhiên nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ lại tăng mạnh, khiến con số tuyệt đối về nợ xấu tăng khá cao so với cuối năm 2022, ở mức 5.350 tỷ đồng.
Cuối tháng 11 vừa qua, TPBank thông báo đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho góp vốn, mua cổ phần để mua lại Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Việt Cát (VFC) với số tiền tối đa 125 tỷ đồng.
Trong khi đó, Việt Cát chính là tổ chức có tên trong danh sách nhà đầu tư nhận phát hành 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HOSE: HAG). Trong đó, công ty quản lý quỹ này đăng ký mua 60 triệu cổ phiếu HAG, tương ứng tỷ lệ sở hữu 5,67% vốn sau chào bán của công ty bầu Đức.
Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau, HAGL lại công bố thông tin về việc hủy danh sách này để cập nhật lại danh sách nhà đầu tư dự kiến được chào bán cổ phiếu riêng lẻ với lý do sơ suất trong quá trình trao đổi thông tin, cần sửa đổi, điều chỉnh. Trong thông báo mới nhất của HAGL, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiGroup đã thế chỗ Việt Cát trong danh sách này.