Lượt tìm kiếm điểm đến Việt Nam tăng từng ngày
Gỡ vướng về cấp visa điện tử, chứng nhận tạm trú Chính phủ chính thức trình Quốc hội chính sách visa mới |
Nền tảng du lịch trực tuyến Agoda vừa công bố số lượt tìm kiếm từ những du khách quốc tế có kế hoạch nghỉ dài tại Việt Nam đã tăng 33% so với 2 tuần trước đó, ngay sau thông tin Quốc hội đồng ý kéo dài thời hạn thị thực điện tử (evisa) từ 30 ngày lên 90 ngày; tăng thời gian lưu trú của du khách được miễn visa từ 15 ngày lên 45 ngày.
Triển vọng từ khách nghỉ dài
Theo Agoda, số lượt tìm kiếm nơi lưu trú của du khách đến từ Pháp tăng tới 72%, Hà Lan tăng 45%, New Zealand tăng 41%, Đức tăng 40% và Mỹ tăng 38%. Trong khi đó, Mỹ dẫn đầu về tổng lượt tìm kiếm, vượt qua Úc, Canada và Đức.
"Những du khách này thường phải di chuyển bằng các chuyến bay khứ hồi dài và đắt đỏ nên lên kế hoạch đi nghỉ dài hơn so với du khách đến từ các khu vực lân cận. Các dữ liệu cho thấy tín hiệu tích cực đối với mục tiêu thu hút 8 triệu khách du lịch của Việt Nam trong năm nay. Trong 6 tháng đầu năm, ngành du lịch Việt Nam đã đón khoảng 5,57 triệu lượt khách quốc tế" - đại diện Agoda nói.
Theo các doanh nghiệp (DN), sự linh hoạt và dễ dàng hơn trong quy trình cấp visa cùng hoạt động quảng bá và tăng cường chuyến bay quốc tế sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu này. Điển hình như Ấn Độ, sau khi Việt Nam đưa ra chính sách cấp evisa cho công dân nước này, Agoda nhận thấy thị trường khách này từ vị trí thứ 8 đã vươn lên trở thành thị trường quốc tế có lượng đặt phòng lớn thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau Hàn Quốc.
Tại TP HCM, Ấn Độ đang trở thành thị trường nguồn khách tiềm năng. Mới đây, đoàn khách MICE gần 500 người đã tham gia tour dự hội nghị, khám phá, trải nghiệm những điểm đến ở TP HCM như: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bưu điện Thành phố, chợ Bến Thành, Địa đạo Củ Chi…
Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Tổng Giám đốc Công ty Saco Travel, cho biết công ty vừa đón một số đoàn khách Ấn Độ với số lượng từ 200 - 300 khách đến du lịch TP HCM. Đây là thị trường khách có nhu cầu đi du lịch cao, sẵn sàng chi tiêu nếu sản phẩm, dịch vụ tương xứng. Do đó, ông Tấn cho rằng cần đầu tư và xây dựng các sản phẩm du lịch đêm để đáp ứng nhu cầu khách Ấn Độ.
Bà Nguyễn Cẩm Tú, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch, cho hay trong 7 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến TP HCM đạt hơn 2,3 triệu lượt, tăng 208% so cùng kỳ năm ngoái.
"Sự kiện đón đoàn khách MICE là tín hiệu cho thấy thị trường du lịch quốc tế bắt đầu khởi sắc. Việt Nam và TP HCM đã trở thành điểm đến được khách du lịch quốc tế quan tâm. MICE được xác định là một trong 7 sản phẩm du lịch đặc trưng nhiều tiềm năng, cần đẩy mạnh khai thác trong chiến lược phát triển du lịch" - đại diện Sở Du lịch TP HCM nói.
Đoàn khách du lịch Ấn Độ tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh bên cánh đồng lúa. Ảnh: BÌNH AN |
Tăng tốc đón khách
Hơn 1 tháng sau khi Quốc hội chính thức thông qua chính sách visa mới thuận lợi hơn, các DN đang chờ đợi công bố chính thức từ Chính phủ về những thị trường nào được áp dụng evisa nâng lên tối đa 90 ngày.
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh - Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Du lịch Vietravel - cho rằng việc điều chỉnh chính sách visa góp phần nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút khách quốc tế. Điều kiện thuận lợi này giúp Vietravel có thể linh hoạt sắp xếp lịch trình du lịch dài ngày cho khách quốc tế dễ dàng tham quan theo tuyến du lịch nghỉ dưỡng hoặc khám phá xuyên Việt 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Từ đó tăng ngân sách chi tiêu của khách quốc tế tại Việt Nam.
"Khi có chính sách visa mới, ngoài các thị trường truyền thống, Vietravel đã và đang mở rộng khai thác thị trường trọng điểm khác như Ấn Độ và Trung Đông. Dự kiến lượng khách quốc tế sẽ gia tăng" - bà Vân Khanh nói.
Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Công ty PYS Travel, cho hay khách quốc tế có nhu cầu du lịch từ 2-3 tuần để đi thăm các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Lào, Campuchia. Tuy nhiên, thời gian lưu trú chỉ tối đa 15 ngày và không được nhập cảnh nhiều lần khiến DN rất khó sắp xếp lịch trình cho khách.
"Với chính sách visa mới, thời gian lưu trú nhiều hơn giúp DN xây dựng lịch trình dài ngày hơn. Khách có thể trải nghiệm trọn vẹn từ Bắc và Nam, mở rộng khám phá điểm tham quan ở Đông Bắc, Tây Bắc. Từ đó tạo nên lịch trình với điểm nhấn trải nghiệm khác biệt so với các quốc gia khác trong khu vực. Kỳ vọng lượng khách quốc tế đến Việt Nam của PYS Travel sẽ tăng 15%-30%, doanh thu có thể tăng từ 25%-40% mỗi năm" - bà Minh Hiền nói.
Kiến nghị lập Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài Để khai thác hiệu quả chính sách visa mới, doanh nghiệp du lịch kiến nghị mở thêm các đường bay thẳng từ những thị trường nguồn du lịch lớn và tiềm năng, tăng cường kết nối thuận tiện, giá cả hấp dẫn cho du khách quốc tế; mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho một số thị trường cụ thể hoặc thị trường tiềm năng mới nhằm thu hút thêm khách du lịch. "Thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài để chủ động quảng bá dịch vụ du lịch và tạo điều kiện hợp tác giữa các hãng lữ hành trong nước và công ty du lịch nước ngoài là cần thiết" - bà Vân Khanh kiến nghị. |