Lùm xùm Công ty Nhật Nam: Dòng tiền huy động từ các nhà đầu tư “chạy” đi đâu?
“Sập bẫy” doanh nghiệp
Mới đây trên mạng xã hội tràn lan clip đối đáp của bà Vũ Thị Thúy – Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam (Công ty Nhật Nam) - với các nhà đầu tư tại một buổi đối thoại.
Trong buổi đối thoại, các nhà đầu tư yêu cầu Công ty Nhật Nam tất toán hợp đồng hợp tác kinh doanh, trả tiền lãi, và gốc cho các hợp đồng. Tuy nhiên bà Vũ Thị Thúy cho rằng, các nhà đầu tư đi làm việc với bộ phận pháp chế, khiến các nhà đầu tư rất bức xúc bởi chính bà Thúy là đại diện của Công ty Nhật Nam.
Buổi đối thoại rất căng thẳng, khiến các nhà đầu tư bức xúc. Ở chiều ngược lại bà Vũ Thị Thúy còn có thái độ và lời nói khó nghe. Chẳng hạn, khi bị nhà đầu tư chất vấn, bà Thúy gay gắt: “Chú ơi, chú im mồm đi ạ”.
Lùm xùm Công ty Nhật Nam "Hợp đồng hợp tác kinh doanh" với nhiều nhà đầu tư - Ảnh: internet |
Về sự việc này, theo tìm hiểu của phóng viên, thông tin tại văn bản 7327/VPUBND-KTTH của Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, vào ngày 4/8/2022, Cục An ninh Kinh tế - Bộ Công an đã ra thông báo, trong đó nêu rõ Công ty Nhật Nam có hành vi huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, đưa ra yêu cầu bảo mật thông tin và cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế, nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.
Theo cơ quan công an, Công ty Nhật Nam đã thành lập nhiều chi nhánh, và nhiều văn phòng giao dịch bất động sản tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, lôi kéo nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn với cam kết trả lợi nhuận hàng ngày với tỷ suất lợi nhuận cao (từ 5-7%/ tháng tương đương 60-84%/năm, kèm theo nhiều ưu đãi bất động sản).
Sau khi ký hợp đồng và nộp tiền, các nhà đầu tư sẽ được chi trả lợi nhuận hàng ngày vào tài khoản. Nhưng khi chia lợi nhuận cho nhà đầu tư, Công ty Nhật Nam không sử dụng tài khoản doanh nghiệp mà sử dụng tài khoản cá nhân của bà Vũ Thị Thúy để chuyển tiền.
Văn bản của cơ quan Công an nêu rõ, hành vi này có dấu hiệu che giấu thu nhập đã chia cho các nhà đầu tư, qua đó trốn tránh nghĩa vụ kê khai thuế thu nhập cá nhân thay cho các nhà đầu tư, vi phạm Luật quản lý thuế.
Mục đích sử dụng vốn huy động của Công ty Nhật Nam có nhiều dấu hiệu nghi vấn, khả năng hoạt động theo mô hình “Ponzi” (lấy tiền của người trước trả cho người sau), đến một thời điểm nào đó Công ty Nhật Nam không còn khả năng chi trả cho nhà đầu tư sẽ nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.
Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an cảnh báo về hành vi huy động vốn thông qua "Hợp đồng hợp tác kinh doanh" của Công ty Nhật Nam. |
“Gối đầu” bằng Sông Đà 1.01
Nhiều câu hỏi liên quan đến việc Công ty Nhật Nam đã sử dụng nguồn tiền có được từ các “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” vào việc gì được đặt ra.
Theo như nhận định của cơ quan Công an, việc huy động vốn của Công ty Nhật Nam khả năng hoạt động theo mô hình “Ponzi”. Tức là lấy tiền của người trước trả cho người sau. Như vậy, khả năng dòng vốn huy động sẽ chạy vòng từ nhà đầu tư này, sang nhà đầu tư khác. Kết quả đến một thời điểm Nhật Nam không còn khả năng chi trả cho nhà đầu tư.
Thực tế cho thấy thời điểm đầu huy động các nhà đầu tư vẫn được Công ty Nhật Nam thực hiện chi trả đúng thời gian như cam kết. Nhưng kể từ khoảng tháng 8/2022, Công ty Nhật Nam đã bắt đầu khất trả lãi cho các nhà đầu tư, gây ra bức xúc.
Cũng thời điểm này thị trường dần lộ thông tin bà Vũ Thị Thúy và chồng là ông Phạm Khánh Phương (ca sỹ Khánh Phương) “thâu tóm” Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 (mã chứng khoán: SJC).
Chiến lược thâu tóm Sông Đà 1.01, có thể nói bắt đầu từ thông tin ca sỹ Khánh Phương trở thành cổ đông lớn của Công ty Sông Đà 1.01 sau khi mua vào gần 3,2 triệu cổ phiếu, tương đương 45,51% vào ngày 28/10/2022.
Đến ngày 25/11/2022, Khánh Phương đã bán hơn 1.631.622 cổ phiếu SJC, (tỷ lệ sở hữu còn lại 23,12%). Cùng ngày bà Vũ Thị Thuý đã mua vào lượng cổ phiếu SJC tương ứng.
Nguồn vốn của cá nhân ca sỹ Khánh Phương và vợ Vũ Thị Thúy để mua vào lượng cổ phiếu lớn trên từ đâu chưa được đề cập đến.
Với việc sơ hữu lượng lớn cổ phiếu SJC, cặp ca sỹ Khánh Phương và Vũ Thị Thuý đã trở thành cổ đông lớn nằm trong Hội đồng quản trị của Sông Đà 1.01. Tại cuộc Đại hội đồng cổ đông bất thường vào cuối năm 2022, bà Thúy chính thức được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Sông Đà 1.01.
Tuy nhiên, ngày 31/3, bà Thuý lại bán toàn bộ cổ phiếu SJC, qua đó không còn là cổ đông lớn tại Sông Đà 1.01. Ngược lại, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư Nhật Nam Nhật Khang đã mua vào tổng lượng cổ phiếu SJC gần bằng lượng bà Thúy bán ra và trở thành cổ đông lớn của công ty.
Về 2 cổ đông mới này, Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam được thành lập ngày 21/11/2022, do bà Thuý góp đến 90% vốn, và là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Còn Công ty Cổ phần Đầu tư Nhật Nam Nhật Khang được thành lập ngày 29/9/2022, do ca sỹ Khánh Phương là cổ đông lớn sáng lập khi góp 68% vốn.
Chính thời điểm sau khi Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam thành cổ đông lớn tại Sông Đà 1.01, thì Công ty Bất động sản Nhật Nam ra văn bản đề nghị các nhà đầu tư chuyển đổi hợp đồng đầu tư sang doanh nghiệp mới là Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam khiến các nhà đầu tư bức xúc.
Việc đề nghị nhà đầu tư chuyển đổi hợp đồng đầu tư, cũng chính là một cách thức để doanh nghiệp này tiếp tục đảo nợ, giãn nợ trong tình trạng đang phải dừng thanh toán lãi ngày cho các nhà đầu tư.
Thời điểm bà Vũ Thị Thuý giữ vị trí Chủ tịch HĐQT tại Sông Đà 1.01 - Ảnh: internet. |
Vì sao chọn Sông Đà 1.01?
Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 vốn là doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên được giới thiệu là chủ đầu tư một số dự án “đất vàng” trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong đó có, Tòa nhà CT1 Văn Khê tại Khu đô thị Văn Khê, La Khê, Hà Đông; Chung cư cao cấp Vinafor tại ngã tư đường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội; dự án Eco – Green Tower tại số 1 Giáp Nhị, Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội; hay dự án Hemisco Xa La tại phố Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội.
Thông tin chi tiết về các dự án “đất vàng” này không nhiều, tại báo cáo tài chính tổng hợp quý 4 và năm 2022 của Công ty Sông Đà 1.01 cho thấy, khoản phải trả ngắn hạn cho khoản lợi nhuận trả cho các đối tác dự án Hemisco và Văn Khê tại thời điểm cuối năm 2022 là hơn 9 tỷ đồng; phải trả tiền góp vốn dự án Hemisco của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Xuân Mai là gần 9 tỷ đồng; phải trả tiền góp vốn dự án số 1 Giáp Nhị - Tổng công ty đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị UDIC là 25 tỷ đồng;…
Giá cổ phiếu SJC giai đoạn giữa năm 2022 chỉ trong vùng 1.400 đồng/cổ phiếu – 1.700 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên đến cuối năm 2022, mức giá được giao dịch đẩy lên 17.900 đồng/cổ phiếu (ngày 30/12/2022). Đến đầu năm 2023 cổ phiếu SJC đã lên mức hơn 18.000 đồng. Đây chính là giai đoạn ca sỹ Khánh Phương và Vũ Thị Thúy “nhập cuộc” Sông Đà 1.01.
Dù tăng mạnh nhưng đến tháng 4/2023, cổ phiếu SJC “xuống dốc” không phanh khi rơi vào vùng từ 4.000 đồng – 5.000 đồng/cổ phiếu. Diễn biến lạ là đến tháng 5/2023 cổ phiếu SJC bắt đầu đà tăng mạnh trở lại, tháng 6/2023 đã ở khoảng 14.000 đồng/cổ phiếu và đến nay đang giao dịch ở khoảng 12.000 đồng/cổ phiếu – 13.000 đồng/cổ phiếu.
Những lần tăng đột biến của SJC đều liên quan đến hoạt động mua đi bán lại giữa các thành viên trong hệ sinh thái Công ty Nhật Nam. Trước giai đoạn này, cổ phiếu SJC ở mức giá thấp kéo dài, doanh nghiệp này cũng có thời gian dài làm ăn thua lỗ.
Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam có trụ sở chính tại 54 Ngô Thị Thu Minh, phường 2, Quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện theo pháp luật là Vũ Thị Thúy (Sinh năm: 14/02/1983, HKTT: khu 4, xã Thạch Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa). Cổ đông góp vốn gồm: Vũ Thị Thúy, Mai Thanh Tùng (Sinh năm: 1987), Vũ Đức Tại (Sinh năm: 1985). - "Trích thông tin từ văn bản 7327/VPUBND-KTTH ngày 30/8/2023 của Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình". |