Lực mua có thể sẽ chiếm ưu thế trên thị trường ngô phiên cuối tuần
Giá ngô nối dài đà suy yếu, nguyên nhân do đâu? Giá ngô hồi phục trở lại sau chuỗi 4 phiên giảm giá liên tiếp Nhu cầu suy yếu đè nặng lên giá đậu tương |
Xét dưới góc nhìn kỹ thuật, đà hồi phục của giá ngô vẫn đang chiếm ưu thế, được củng cố bởi những lo ngại về tình hình nguồn cung tại khu vực Nam Mỹ. Điều này khiến ngô có thể test lại vùng 453 và sẽ tiếp tục tăng nếu vượt qua kháng cự này.
Sáng nay, Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) đã nâng dự báo sản lượng ngô niên vụ 2023/24 của Argentina lên mức 56,5 triệu tấn, từ mức 55 triệu tấn trong dự đoán trước nhờ lượng mưa cải thiện gần đây. Cơ quan này cũng tăng ước tính diện tích trồng ngô lên 7,2 triệu héc-ta (17,8 triệu mẫu Anh) so với mức 7,1 triệu héc-ta (17,5 triệu mẫu Anh) trước đó. Mặc dù sản lượng được dự báo tăng, tuy nhiên, những tác động của thời tiết nóng và khô gần đây tại Argentina đang biểu hiện ngày càng rõ rệt. BAGE cho biết tỷ lệ ngô được đánh giá đạt tốt và tuyệt vời tính đến tuần này ở mức 41%, giảm 5% so với tuần trước. Tiến độ trồng ngô hiện cũng đã bước đến những giai đoạn cuối khi đã đạt mức 97% diện tích, cao hơn 3% so với năm ngoái nhưng thấp hơn nhiều so với mức 100% trung bình 5 năm. Nhìn chung, sự chú ý của thị trường hiện tại vẫn đang chủ yếu tập trung đến tình trạng khô nóng tại Argentina. Điều này vẫn sẽ là yếu tố thúc đẩy lực mua đối với ngô, đặc biệt là nếu mưa không kịp quay trở lại quốc gia này vào đầu tháng 2.
Đối với báo cáo Export Sales, USDA cho biết doanh số bán hàng ngô của Mỹ ở mức 951.796 tấn, giảm 23,7% so với tuần trước nhưng phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Trong đó, 563.000 tấn được mua bởi Mexico, cho thấy nhu cầu mạnh mẽ từ quốc gia láng giềng với Mỹ. Tính đến ngày 18/1, Mexico đã nhập khẩu mức kỷ lục 15,3 triệu tấn ngô Mỹ trong niên vụ 23/24, cao hơn khoảng 20% so với mức cao nhất được ghi nhận vào 2 năm trước. Với nhu cầu ổn định từ Mexico sẽ kỳ vọng doanh số bán hàng của Mỹ vẫn sẽ duy trì ở mức tốt trong năm nay, từ đó hỗ trợ giá.
Trong bối cảnh sự chú ý vẫn đang tập trung đến tình thời tiết khô nóng tại Argentina, sẽ kỳ vọng lực mua sẽ quay trở lại thị trường. Ngô có thể test lại vùng kháng cự 453 nhưng khó có thể vượt lên trên vùng này.
Với việc các thông tin cơ bản và kỹ thuật đều nghiêng về hướng "bearish", lúa mì sẽ chấm dứt chuỗi tăng 7 phiên liên tiếp. Mặt hàng này có thể giảm về vùng hỗ trợ 600 trong ngày hôm nay.
Đậu tương quay đầu suy yếu vào hôm qua sau 5 phiên đóng cửa trong sắc xanh. Như phân tích trước đó, phần lớn các thông tin về nhu cầu đang thiên về hướng “bearish” và có khả năng sẽ tạo áp lực đến giá trong trung hạn. Về phía nguồn cung, trong khi ước tính sản lượng tại Brazil vẫn còn là “ẩn số”, thì vụ mùa đậu tương của Argentina tiếp tục tiến triển ổn định có thể sẽ khiến giá chịu sức ép trong phiên hôm nay.
Hiện tại, việc gieo trồng đậu tương tại Argentina đã đi đến giai đoạn cuối cùng, khi mà 98% diện tích đã được hoàn thành. Thời tiết khô nóng hơn trong tuần này đã gây ra một số ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng, với tỷ lệ đậu tương đạt tốt/tuyệt vời đã giảm 11% so với tuần trước, xuống còn 44%. Mặc dù vậy, con số này vẫn cao hơn so với mức 38% cùng kỳ năm 2021, giai đoạn trước khi xảy ra hạn hán kỷ lục. Nhờ lượng mưa tích lũy trong thời gian trước, độ ẩm đất được cho là có thể đáp ứng đủ cho cây trồng phát triển trong khoảng 7 ngày tới khi thời tiết khô nóng quay trở lại. Dựa trên cơ sở đó, BAGE mới đây đã nâng nhẹ dự báo sản lượng đậu tương của Argentina lên mức 52,5 triệu tấn, so với mức 50 triệu tấn ước tính gần nhất của USDA. Tuy nhiên, BAGE cũng lưu ý, lượng mưa trong thời gian tới đóng vai trò quan trọng đối với cây trồng, do vậy, các dự báo hiện tại có thể bị cắt giảm nếu tình trạng thiếu mưa kéo dài. Những tin tức tích cực tại Argentina có khả năng sẽ chỉ tác động đến giá CBOT.
Còn tại Mỹ, doanh số bán đậu tương trong tuần vừa rồi đã sụt giảm 6% so với mức trung bình 4 tuần trước đó. Điều này đã góp phần làm chậm trễ hơn tiến độ bán hàng của Mỹ trong năm nay. Nếu báo cáo Export Sales tuần tới tiếp tục cho thấy kết quả xuất khẩu của Mỹ gây thất vọng, đây sẽ là yếu tố củng cố khả năng USDA cắt giảm ước tính xuất khẩu đậu tương niên vụ 23/24 của quốc gia này trong báo cáo tháng 2.
Theo nhận định, đà hồi phục nhẹ của giá đậu tương trong đầu phiên có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Trước những tin tức tích cực từ triển vọng mùa vụ của Argentina, giá mặt hàng này có thể quay đầu suy yếu về vùng giá 1220.
Trong phiên hôm nay, khô đậu tương có thể duy trì đà giảm và hướng xuống vùng hỗ trợ 355 do nhu cầu suy yếu đối với nguồn cung từ Mỹ. Đối với dầu đậu tương, giá có khả năng tiếp tục dao dộng trong khoảng 46,2 - 47.