Giá ngô nối dài đà suy yếu, nguyên nhân do đâu?
Giá ngô và lúa mì có thể nhận được lực mua trong ngày hôm nay Đà tăng của giá đậu tương có thể sẽ bị hạn chế ở vùng 1265 Giá ngô giảm tuần thứ 5 liên tiếp, đâu là nguyên nhân? |
Đóng cửa phiên giao dịch 16/1, thị trường nông sản chia hai nửa xanh đỏ. Triển vọng nguồn cung tại Argentina tiếp tục khiến giá ngô và đậu tương chịu áp lực trong phiên vừa rồi. Tuy nhiên, thị trường đậu tương vẫn đóng cửa phiên với mức tăng nhẹ, chỉ 0,25%, chủ yếu nhờ lực mua kỹ thuật ở vùng giá 1220.
Bên cạnh đó, mối lo ngại về triển vọng nguồn cung năm nay của Brazil gia tăng trước những dự báo kém khả quan đã góp phần hỗ trợ giá đậu tương giữ được sắc xanh trong phiên hôm qua. Cụ thể, với tình hình thời tiết nắng nóng kỷ lục tại Mato Grosso Aprosoja cho biết sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của bang này dự kiến giảm 9,56 triệu tấn so với niên vụ trước do năng suất kém hơn. Hiệp hội cũng ước tính, Brazil sẽ chỉ sản xuất 135 triệu tấn đậu tương trong niên vụ 23/24, biến đây trở thành số dự báo thấp nhất được đưa ra bởi các đơn vị tư vấn.
Khô đậu tương cũng đóng cửa với mức tăng mạnh 2,49%, đánh dấu chấm dứt chuỗi 7 phiên giảm giá liên tiếp. Lực mua chủ yếu được thúc đẩy mạnh mẽ bởi hỗ trợ kỹ thuật ở vùng giá 360.
Trong khi đó, giá ngô khép lại phiên hôm qua với mức giảm gần 1%, đánh dấu phiên suy yếu thứ 3 liên tiếp. BCR cho biết, lượng mưa dồi dào những tuần gần đây đang hỗ trợ tích cực cho vụ ngô năm nay của Argentina. Nhờ đó, sản lượng ngô năm nay của nước này sẽ tiếp tục được cải thiện và có thể vượt qua mức kỷ lục 59 triệu tấn mà BCR dự báo. Sự hồi phục mạnh mẽ của vụ mùa tại Argentina sau đợt hạn hán kỷ lục trong năm 2022 sẽ đóng góp đáng kể vào nguồn cung ngô toàn cầu, và tác động “bearish” mạnh lên giá ngô.
Lúa mì là mặt hàng giảm mạnh nhất nhóm nông sản, khi lao dốc tới 2,35%. Báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy, xuất khẩu lúa mì mềm của Liên minh châu Âu (EU) trong tuần kết thúc ngày 14/1 đạt 1,04 triệu tấn. Việc các lô hàng lúa mì xuất khẩu của EU duy trì trên mốc 1 triệu tấn trong nhiều tuần liên tiếp cho thấy nguồn cung từ khối đang được đẩy mạnh ra thị trường. Điều này đã gây sức ép lớn lên giá lúa mì. Ngoài ra, hãng tư vấn IKAR cho biết, giá FOB lúa mì Nga đạt 242 USD/tấn trong tuần vừa rồi, giảm 2 USD/tấn so với một tuần trước do nhu cầu toàn cầu suy yếu. Điều này góp phần tạo áp lực lên giá CBOT.