Luận bàn về công và tội của phân hóa học trong sản xuất nông nghiệp
Biết vậy nhưng từ xưa cho đến trước năm 1975, năng suất cây trồng nói chung của cả nước được xếp loại thấp nhất so với nhiều nước khác trên thế giới. Ví dụ, năng suất lúa bình quân cả nước vào năm 1060-1965 chỉ đạt được 1,9 tấn/ha. Đến năm 1975 cũng chỉ đạt được 2,12 tấn/ha. Lý do chính là vì 4 yếu tố kể trên chưa bao giờ được thỏa mãn cho mọi cây trồng đã từng canh tác, đặc biệt là phân bón.
Tuy nhiên, mãi đến khi đất nước ta hoàn toàn được mở cửa, cùng với sự phát triển khoa học kỹ thuật trong nước thì dần dần các tiến bộ kỹ thuật mới bao gồm giống và phân hóa học, các biện pháp canh tác và quản lý đồng ruộng cũng được du nhập và được áp dụng làm cho năng suất và phẩm chất của sản phẩm nông nghiệp ở nước ta ngày càng phát triển chưa từng có. Lẽ thường là khi bụng đã no thì người ta nghĩ ngay đến chất lượng bữa ăn và an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau những vụ ngộ độc thức ăn do nhiều nguyên nhân mang lại thì không ít ý kiến cho là do thuốc sâu, thuốc bệnh, thuốc trừ cỏ dại, hoặc do chất bảo quản và cả phân hóa học mang lại.
Trong thực tế, khi kiểm tra kỹ thì thấy trong một số trường hợp, các loại rau, củ, quả có dư lượng thuốc sâu, thuốc bệnh, thuốc cỏ hay chất bảo quản được phát hiện thấy vượt ngưỡng cho phép, và đúng đó là nguyên nhân gây hại. Nhưng cũng có nhiều trường hợp không phải do các tác nhân này mà do vi sinh mang lại, ví dụ thức ăn bị ôi, thối dẫn đến ngộ độc hàng loạt trong các bữa tiệc hay trong các bếp ăn tập thể gây ra là phổ biến cũng được quy là do thuốc sâu bệnh hay phân hóa học mang lại. Trong phạm vi bài viết này tác giả chưa đề cập đến các tác nhân như thuốc hóa học và chất bảo quản hay vi sinh vật gây ra mà chỉ muốn tập trung xét công và tội của phân hóa học xem có đúng là do bản thân phân hóa học gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm hay không, hoặc là do phân hóa học mà các sản phẩm trồng trọt xuất khẩu ra thị trường thế giới đã bị trả lại?
Trước hết, xét về công của phân hóa học. Từ đầu thế kỷ 19, nhiều nhà khoa học đã lần lượt chứng minh chất khoáng là thức ăn chủ yếu của các loại cây. Nếu có đủ ánh sáng, nước và chất khoáng thì các loại cây đều sinh trưởng phát triển tốt. Nhà hóa học Đức Justus Von Liebig (1803-1873) được coi là nhà hóa học Nông nghiệp đầu tiên. Ông đã chứng minh rằng, cây trồng muốn sinh trưởng phát triển tốt thì cần được cung cấp đủ các chất khoáng: N, P, K, Ca, Mg, Si, S, các nguyên tố vi lượng và siêu vi lượng. Chỉ cần thiếu 1 trong các chất khoáng này cây trồng sẽ bị giảm năng suất. Trên cơ sở lý thuyết này ngành công nghiệp phân bón hóa học bắt đầu được dần dần phát triển.
Nhưng cho đến những năm đầu của thế kỷ 20 chỉ có một số nước phát triển mới có điều kiện ứng dụng, còn nhiều nước nghèo không có tiền để mua phân hoá học, họ chỉ sử dụng những loại phân địa phương bón cho cây trồng với liều lượng không đáng kể nên năng suất cây trồng thường ở mức rất thấp. Nước ta cũng thuộc vào trường hợp như vậy. Trong trồng trọt, yếu tố giống là quan trọng, nhưng nếu thiếu dinh dưỡng thì giống đó cũng bị lụi tàn. Ví dụ, nói về cây lúa, vào các năm 1960-1968, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đã nhập các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao từ các nước phía Bắc có nguồn gốc ôn đới về trồng, nhưng do thiếu phân bón trầm trọng nên vẫn không thu lại kết quả như mong muốn.
Vào những năm 1966-1970, các giống lúa cao sản có nguồn gốc nhiệt đới như IR8, IR5 cũng được nhập nội để trồng, nhưng ở những vùng thiếu phân thì năng suất cũng không cao hơn giống lúa địa phương đáng kể.
Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 1960/61 cả nước có sử dụng được 66,7 ngàn tấn chất dinh dưỡng N, P, K cho nhiều loại cây, trong đó có lúa, thì năng suất lúa mới đạt 1,9 tấn/ha; năm 1995 lượng dinh dưỡng tăng lên đến 1.223,7 ngàn tấn cho cả ngành nông nghiệp, thì năng suất lúa bình quân cả nước tăng lên 3,69 tấn/ha. Từ đó lượng dinh dưỡng từ NPK nhập khẩu và sản xuất trong nước tăng dần lên thì năng suất lúa và các cây trồng khác cũng liên tục tăng đồng biến. Ví dụ, năng suất lúa 2010 đạt 5,31 tấn/ha và năm 2021 là 5,54 tấn/ha.
Với các cây trồng khác như: tiêu, cà phê thì nhờ phân hóa học mà năng suất những cây này đã dẫn đầu so với các nước khác trong khu vực hay trên thế giới. Cũng nhờ có phân hóa học sử dụng cho các loại cây trồng ngày càng tăng mà từ một nước thiếu lương thực triền miên đã trở thành nước có lượng gạo xuất khẩu xếp hạng nhất, nhì trên thế giới.
Các mặt hàng nông sản khác hiện nay cũng có mặt khắp các thị trường thế giới, và cũng rất được ưa chuộng. Vậy là trong các thành tựu to lớn về sản xuất nông nghiệp, có sự đóng góp rất đáng kể của phân hóa học. Có người sẽ nói: không cần phân hóa học, ta sẽ làm nông nghiệp hữu cơ tốt hơn. Nông nghiệp hữu cơ đúng là tốt toàn diện thật. Nhưng, đến bao giờ thì nông nghiệp hữu cơ sẽ thay thế hoàn toàn nông nghiệp sử dụng phân hóa học? Ta hãy lấy gương của Srilanka để làm bài học.
Theo Tổng thống Srilanka Gotabaya RaJapaksa đã có tham vọng biến Srilanka thành nước Nông nghiệp 100% hữu cơ, và ban lệnh cấm nhập phân hóa học và các vật tư nông nghiệp khác. Sau lệnh này được ban ra, nhiều nông dân bỏ ruộng không sản xuất, những cây trồng chính như chè, quế, dừa năm 2005 chiếm 60% tổng số kim ngạch xuất khẩu trong nông nghiệp thì đến nay không có hàng vì năng suất quá thấp. Từ một nước GDP trong nông nghiệp chiếm 18% (2005) thì nay đang bị thiếu lương thực, thực phẩm đến nỗi siêu thị chỉ phân phối cho mỗi người được mua 5kg gạo, nợ nước ngoài lên đến 51 tỷ USD. Nhân dân biểu tình khắp nơi đòi chính phủ cho nhập phân hóa học trở lại, nhưng khốn nổi GDP cả nước chỉ còn 1,5 tỷ USD, lấy đâu ngoại tệ để mua phân? Nhân dân cả nước đồng loạt xuống đường biểu tình, thế là chính phủ bị lật đổ và Tổng thống phải rời khỏi ngai vàng để ra đi mà không biết ngày trở lại.
Vậy, ngoài công, phân hóa học có tội gì không? Phân hóa học đã được xác định là nguồn thức ăn chủ lực của cây trồng, thì cũng như các loại thức ăn dùng cho người nếu sử dụng hợp lý thì người khỏe mạnh, ít thấy bệnh tật. Nhưng nếu sử dụng không hợp lý thì cũng sẽ mang lại những tác dụng không mong muốn. Ở cây trồng cũng vậy, dù là thức ăn, nhưng khi bón quá dư thừa chất N, thì lượng NO3 (một chất có thể gây độc hại cho người tiêu dùng) chứa trong các loại rau, củ, quả ăn tươi vượt ngưỡng cho phép, và cũng bị coi là nông sản không an toàn.
May thay, nhờ có men Nitrat Reductase luôn luôn hiện hữu trong cây xanh, gặp men này thì chất NO3 sẽ bị khử tạo thành chất N cho cây nên hàm lượng NO3 gây độc cho người rất ít phát hiện thấy. Khi bón quá dư thừa hoặc không cân đối các chất khoáng thì không những cây bị hại, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế cũng thấp mà môi trường đất và nước cũng bị ô nhiễm. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa thấy trường hợp nào khách hàng trong và ngoài nước phàn nàn về sản phẩm nông nghiệp có chứa dư thừa chất NO3 hay các chất khoáng khác và cũng chưa thấy có sản phẩm nông nghiệp nào bị khách hàng từ chối do chứa dư thừa chất khoáng cả.
Vậy, bản thân phân khoáng không gây độc hại cho sản phẩm nông nghiệp hay môi trường sinh thái, mà do chính con người sử dụng không hợp lý mang lại. Sử dụng đúng thì mang lại năng suất nông sản cao, hiệu quả kinh tế cao, môi trường trong sạch. Sử dụng sai thì năng suất thấp, hiệu quả kinh tế thấp, môi trường sẽ bị ô nhiễm.
Vậy phương pháp sử dụng chất khoáng hợp lý để bón cây trồng là gì? Đó là phương pháp bón phân 4 đúng: Đúng chủng loại phân, đúng liều lượng, đúng phương pháp và đúng thời gian sinh trưởng của từng loại cây. Muốn áp dụng được phương pháp bón phân 4 đúng cần phải hiểu đất, hiểu cây, hiểu thời tiết... Vì vậy, các đơn vị chế phân hóa học cũng cần dựa vào các thông số như vậy. Câu hỏi đặt ra là đã có đơn vị nào sử dụng các thông tin này để sản xuất phân hóa học cho các cây ở các vùng chưa? Câu trả lời là có! Đó là Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền với các Nhà máy và Đơn vị thành viên gồm Nhà máy Phân bón Bình Điền Long An, Công ty CP Bình Điền Lâm Đồng, Công ty CP Bình Điền Quảng Trị, Công ty CP Bình Điền Ninh Bình và Công ty CP Bình Điền MeKong.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm phân bón NPK do khối các Công ty Bình Điền sản xuất và tiêu thụ chiếm số lượng nhiều nhất so với các công ty đang sở hữu phân bón NPK ở trong nước.
Theo kết quả nghiên cứu và thực nghiệm của Công ty kể từ năm 1997 cho đến nay (2021), trên hàng chục loại cây khác nhau ở trong nước, kể cả Campuchia và Myanma đã được khảo nghiệm với sự kiếm soát và ứng dụng của hàng trăm nông dân đều cho thấy bón phân Đầu Trâu có thể tiết kiệm được từ 20-30% chất N, giảm bớt số lần bón, tiện lợi, năng suất lại cao hơn kỹ thuật của nông dân từ 15 đến 50% tùy loại cây, loại đất và hiệu quả kinh tế mang lại cho người sản xuất cũng cao hơn đáng kể. Phân hóa học được phổ biến rộng từ những năm 60 của thế kỷ 20 và được công nhận là nhân tố chủ yếu của cuộc Cách mạng hóa học trong nông nghiệp. Bản thân nó không có tội. Sau khi nó được sử dụng rộng rãi đã góp phần làm cho sản lượng lương thực, thực phẩm trên thế giới tăng cao, và đã góp phần xóa đói cho hàng trăm triệu người trên thế giới. Công của phân khoáng là như vậy đó.