Sau nhiều nỗ lực bất thành cuối năm 2021, thị trường chứng khoán bất ngờ bứt phá ngay trong những ngày đầu năm 2022 khi VN-Index xác lập mức đỉnh lịch sử 1.528,6 điểm tại phiên giao dịch ngày 6/1. Không chỉ điểm số, khối lượng giao dịch cũng bùng nổ với hàng tỷ cổ phiếu được sang tay mỗi phiên. Đỉnh điểm là vào ngày 10/1, giá trị thanh khoản toàn thị trường vượt ngưỡng 2 tỷ USD - con số kỷ lục mà thị trường chứng khoán Việt Nam chưa từng chạm đến trong suốt lịch sử hoạt động. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, việc Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết “bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/01/2022 bị phanh phui khiến thị trường chứng khoán một phen “chấn động”. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đưa ra quyết định chưa từng có trong tiền lệ: hủy bỏ toàn bộ giao dịch của ông Quyết, phạt hành chính 1,5 tỷ đồng - mức cao nhất theo quy định hiện hành về chứng khoán và đình chỉ giao dịch 5 tháng. |
Không chỉ có động thái quyết liệt trong việc siết chặt kỷ cương trên thị trường chứng khoán, năm 2022 còn chứng kiến nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt nhằm nâng cao tính minh bạch về thông tin, hỗ trợ tối đa cho hoạt động đầu tư lành mạnh. Cụ thể, tháng 5/2022, lần lượt Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) rồi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thực hiện công bố dữ liệu giao dịch tự doanh, thể hiện quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc xóa bỏ sự bất đối xứng thông tin giữa nhà đầu tư nhỏ lẻ và nhà đầu tư tổ chức. Cũng trong tháng này, UBCKNN đã có công văn hướng dẫn các Sở Giao dịch Chứng khoán về việc yêu cầu tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch báo cáo, công bố thông tin liên quan đến công ty khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn 5 phiên liên tiếp. Đây là một trong những giải pháp nhằm tăng cường giám sát, đảm bảo tính công khai, minh bạch, nhất là sau nhiều vụ thao túng giá đã được phanh phui trước đó. |
Bên cạnh thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu cũng có nhiều thay đổi quan trọng. Ngày 16/9/2022, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế chính thức có hiệu lực, tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích như thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp,... Sự vào cuộc, siết chặt kỷ cương từ phía cơ quan quản lý được xem là “liều thuốc đắng” đối với thị trường chứng khoán. Thông tin khởi tố liên tiếp “nổ ra” cùng với những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới đã khiến các mốc kháng cự 1.400, 1.300, 1.200 điểm của VN-Index liên tục bị phá vỡ mà không có một lực đỡ nào. Thị trường điều chỉnh sâu, nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng nề trong một thời gian ngắn, dòng tiền sau đó đã “tháo chạy”. Năm 2022, giá trị thanh khoản toàn thị trường giảm hơn 21% so với năm 2021. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 15/11/2022, VN-Index đóng cửa ở mức 911,9 điểm, giảm 40,3% so với đầu năm. Đây là mức giảm mạnh nhất trên toàn cầu trong năm 2022. Mặc dù có “tác dụng phụ” là khiến VN-Index “bốc hơi” song động thái siết chặt kỷ cương, lành mạnh hoá thị trường chứng khoán vẫn được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá là “liều thuốc” cần thiết, kịp thời cắt bỏ những “khối u” sai phạm, trước khi chúng trở nên nghiêm trọng hơn và gây ra các rủi ro hệ thống. |
Bước sang năm 2023, quyết tâm siết chặt kỷ cương, lành mạnh hóa thị trường tiếp tục đẩy mạnh. Hàng loạt cá nhân liên quan đến các vụ án thao túng thị trường cổ phiếu bị khởi tố hình sự trước đó như vụ án Trịnh Văn Quyết tại nhóm cổ phiếu FLC, vụ án Đỗ Thành Nhân và Chứng khoán Trí Việt tại nhóm cổ phiếu Louis hay các vụ án trên thị trường trái phiếu như vụ án Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát đã bị truy tố/đề nghị truy tố với những án phạt nặng nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn khởi tố thêm vụ án thao túng giá cổ phiếu xảy ra tại nhóm APEC. Cùng với đó, các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt cũng được tiến hành “mạnh tay”. Hàng lọạt các mã cổ phiếu đã bị đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch do kinh doanh thua lỗ, vi phạm công bố thông tin,… và thậm chí là huỷ niêm yết như các cổ phiếu “họ” FLC, “họ” Louis,… Nhiều cá nhân đã bị phạt tới hàng tỷ đồng và cấm giao dịch thời gian dài như ông Nguyễn Việt Hà - cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Khang Minh Group (HNX: GKM) bị phạt hành chính 1,5 tỷ đồng và cấm giao dịch 2 năm vì cung - cầu giả; vợ và em trai Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, HPX) bị phạt hành chính tổng cộng gần 2 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch 4 tháng do bán chui; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư LDG (HOSE: LDG) Nguyễn Khánh Hưng bị phạt 520 triệu và cấm giao dịch 4 tháng cũng với lý do tương tự,… Ngoài ra, cũng không thể không kể đến nỗ lực làm sạch dữ liệu chứng khoán của các cơ quan quản lý. Tháng 11/2023, sau 2 tháng rà soát, gần 887.000 tài khoản chứng khoán không phát sinh giao dịch đã bị “xoá sổ”. Nỗ lực hoàn thiện thị trường chứng khoán theo hướng minh bạch, bền vững còn được thể hiện qua sự ra đời của hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tập trung. Không lâu sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/3023 sửa đổi, bổ sung các quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu ra đời và “rã đông” thị trường, ngày 19/7/2023, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã chính thức đi vào khai trương và vận hành. Đây được xem là một bước tiến quan trọng để “làm ấm” không khí có phần “nguội lạnh” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, làm gia tăng khối lượng phát hành cũng như số nhà đầu tư tham gia, đóng góp thiết thực cho sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, việc kê khai tập trung cũng từng bước cải thiện minh bạch thông tin cho thị trường trái phiếu, giúp nhà đầu tư gỡ bỏ “cú sốc” tâm lý nặng nề sau loạt “đại án” hồi cuối năm 2022 và yên tâm tham gia vào kênh dẫn vốn này. Nếu như trước đây, các nhà đầu tư không có một thị trường để giao dịch, chỉ có thể thực hiện mua đi bán lại, thì tới nay, họ đã có một thị trường giao dịch điện tử thuận lợi và minh bạch mà ở đó, họ có thể mua bán với những điều khoản, điều kiện và cam kết rõ ràng, đồng thời được tiếp cận với đầy đủ các thông tin mà mình mong muốn. Điều này giảm thiểu rủi ro về việc hệ thống phân phối đưa ra những lời mời chào quá mức hay những lời hứa “suông”. Sau khi những “liều thuốc đặc trị” nói trên được áp dụng, “sức khỏe” của thị trường đã dần phục hồi. Nếu như trong quý I/2023, giá trị giao dịch bình quân/phiên trên toàn thị trường chỉ khoảng 11.300 tỷ đồng (giảm 44% so với bình quân cả năm 2022) thì kể từ quý II, con số này đã vượt mốc 20.000 tỷ đồng/phiên; thậm chí, đã liên tiếp có những phiên cán ngưỡng “tỷ đô”. Đáng chú ý, ngày 18/8/2023, sàn HOSE ghi nhận gần 1,65 tỷ cổ phiếu được sang tay - mức cao nhất trong suốt hơn 23 năm lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, giá trị khớp lệnh tương ứng lên tới 36.000 tỷ đồng (1,5 tỷ USD). Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023, VN-Index chốt ở mức 1.129,93 điểm, tăng gần 123 điểm so với đầu năm, tức hơn 12%. Giá trị vốn hóa toàn thị trường ghi nhận ở mức 5,9 triệu tỷ đồng (~245 tỷ USD). Cũng cần nói thêm, “sức khoẻ tâm lý” của thị trường trong năm 2023 cũng được cải thiện đáng kể. Bằng chứng là vào tháng 11, khi các con số “khủng” trong vụ án Vạn Thịnh Phát được công bố, tình trạng “bán tháo” đã không xảy ra như lo ngại trước đó. |