Chứng khoán tuần qua 26/02 - 01/03/2024: Giao dịch khởi sắc trở lại, khối ngoại mua ròng tích cực
Chứng khoán tuần qua
Chứng khoán tuần qua 26/02 - 01/03/2024, VN-Index đã kết thúc tháng 02/2024 ở mức 1.252,73 điểm, tăng 7,59% so với tháng 01/2024, duy trì 04 tháng liên tục tăng điểm từ vùng giá 1.020 điểm tháng 11/2023.
Phiên giao dịch đầu tháng 03/2024, VN-Index tiếp tục biến động trong vùng giá 1.245 điểm -1.255 điểm, kết phiên ở mức 1.258,28 điểm, tăng 3,82% so với tuần trước, vượt lên trên mốc 1.255,11 điểm số cao nhất tháng 09/2023. HNX-Index kết tuần ở mức 236,43 điểm tăng 2,23% so với tuần trước.
Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, trong tuần có rất nhiều mã/nhóm mã tăng giá mạnh, nổi bật nhất là nhóm chứng khoán khi nhiều mã tăng giá mạnh, vượt vùng giá đỉnh lịch sử, đỉnh gần nhất như FTS (+18,13%), VDS (+13,97%), BSI (+12,14%), CTS (+11,20%), BVS (+9,73).
Các cổ phiếu nhóm bất động sản cũng có diễn biến rất tích cực khi nhiều mã cũng tăng giá mạnh vượt trội, thanh khoản gia tăng đột biến nổi bật như IJC (+16,03%), PXL (+12,90%), KDH (+10,08%), HDG (+9,65%)... ngoài PTL (-4,22%), FIR (-2,57%), VPI (-0,63%)... chịu áp lực điều chỉnh.
Các cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng cũng có diễn biến tích cực trong phiên cuối tuần khi nhiều mã tăng giá mạnh, vượt vùng đỉnh cũ khối lượng giao dịch đột biến như LCG (+8,17%), KSB (+5,72%), TV2 (+4,87%), CTD (+4,86%).
Nhóm cổ phiếu dầu khí mặc dù phân hoá hơn nhưng vẫn có nhiều mã tăng giá mạnh nổi bật nhất PVD (+ 12,17%) vượt đỉnh giá năm 2022, PVO (+7,59%), PSH (+6,58%), PVC (+5,59%).
Trong khi đó các cổ phiếu ngân hàng phân hóa mạnh hơn, có tính chất luân chuyển giữ nhịp thị trường với VCB (+9,45%), TCB (+4,36%), STB (+4,24%)... ngoài PGB (-4,13%), VAB (-2,35%), SGB (-2,22%).
Các nhóm ngành khác phân hóa mạnh, với cơ hội sinh lợi tốt, tăng giá mạnh chủ yếu tập trung vào số ít mã đầu ngành nổi bật với thủy sản VHC (+13,93%), ANV (+10,79%)... cảng biển GMD (+15,33%)... khu công nghiệp, cao su SIP (+5,99%), GVR (+5,81%)... hóa chất DGC (+14,00%).
Chứng khoán tuần qua, thị trường tiếp tục giao dịch khởi sắc. |
Chính sách tuần qua
Thị trường chứng khoán tuần qua đón nhận nhiều thông tin như: Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 02/2024 của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 2/2024 tăng 1,04% MoM; tăng 1,35% so với tháng 12/2023 và tăng 3,98% YoY. Bình quân 2 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,67% YoY; Kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 48,54 tỷ USD, giảm 25,8% MoM và giảm 1,8% YoY.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% YoY, trong đó xuất khẩu tăng 19,2%; nhập khẩu tăng 18%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,72 tỷ USD.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 vừa qua, Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp, xử lý nhanh chóng, sớm có kết quả các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành mình để đáp ứng được qui định tiêu chí nâng hạng thị trường (báo cáo kết quả trước ngày 30/6/2024) theo tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, có sản phẩm, hiệu quả cân đong đo đếm được".
Tại Mỹ, số liệu PCE lõi của tháng 1/2024 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023 tuy nhiên so với tháng 12/2023 tăng 0,4%, mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2023 và cao hơn mức tăng 0,1% của tháng 12 /2023.
Điều này cho thấy những kỳ vọng trước đây của nhiều nhà đầu tư về việc FED sớm giảm lãi suất từ tháng 3 ngày càng khó có thể diễn ra. Khả năng cao FED sẽ chỉ bắt đầu giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2024.
Hiện nay, dự phòng rủi ro cho vay tại các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ có xu hướng giảm mặc dù các cơ quan quản lý đang cảnh báo rủi ro liên quan tới thị trường bất động sản thương mại. Theo hồ sơ gửi cho Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), dự phòng rủi ro trung bình tại JPMorgan Chase, Bank of America, Wells Fargo, Citigroup, Goldman Sachs (NYSE:GS) và Morgan Stanley đã giảm từ 1,6 USD xuống 90 cent cho mỗi USD của khoản vay bất động sản thương mại mà trong đó người vay chậm trả lãi ít nhất 30 ngày.
Ngày 26/02/2024 Nga đã thông qua lệnh cấm xuất khẩu xăng trong vòng 6 tháng, hiệu lực từ ngày 1/3/2024. Lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu của Nga tạm thời không áp dụng đối với khối lượng cung cấp đã thỏa thuận cho các nước thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), Mông Cổ, Uzbekistan, Abkhazia và Nam Ossetia.