Giải bài toán nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam
Thị trường chứng khoán tiếp tục là kênh dẫn vốn hiệu quả
Trong năm 2023, thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục khẳng định vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ nhiều thách thức, khó khăn từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, hoạt động huy động vốn qua TTCK trong năm 2023 có sự khởi sắc, với tổng giá trị huy động vốn đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022, theo chia sẻ của bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trình bày báo cáo tóm tắt tình hình TTCK Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024. Ảnh: VGP |
Theo đó, chỉ số TTCK Việt Nam tăng 12,2% so với năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn qua TTCK.
Kết quả sản xuất kinh doanh của các công ty niêm yết, công ty đại chúng (CTĐC) quy mô lớn còn khó khăn nhưng có dấu hiệu phục hồi vào những tháng cuối năm. Các tổ chức kinh doanh chứng khoán có sự cải thiện về chất lượng hoạt động, duy trì với 81/82 công ty chứng khoán (CTCK) đang hoạt động có tỉ lệ an toàn tài chính trên 180%, 43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với tổng giá trị tài sản quản lý tại thời điểm 31/12/2023 đạt khoảng 639 nghìn tỷ đồng, tăng gần 16% so với thời điểm cuối năm 2022 và có 107 quỹ đầu tư chứng khoán, tăng 10 quỹ so với năm 2022.
TTCK là một mô hình mà Việt Nam đã chọn lựa sớm, góp phần tạo nên một kênh huy động hiệu quả bên cạnh các kênh truyền thống như ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) cũng đồng quan điểm trên. Bà cho hay, bên cạnh vốn vay ngân hàng thì kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu trên TTCK và phát hành trái phiếu doanh nghiệp là hai kênh vô cùng quan trọng và hữu ích cho doanh nghiệp phục vụ cho phát triển công ty trong trung và dài hạn.
Đây cũng là lý do REE xung phong niêm yết đầu tiên. Thông qua thị trường này, REE đã 8 lần phát hành cổ phiếu và huy động được 2.800 tỷ đồng để đầu tư mở rộng và tiếp tục phát triển trong suốt hơn 20 năm qua.
Với những gì TTCK đã đạt được, các tổ chức quốc tế có uy tín đều đánh giá cao các kết quả triển vọng của kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, Fitch Ratings đã nâng hạn mức tín nhiệm của Việt Nam, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng một bậc lên thứ 32/100. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 tăng 6,2% so với năm 2022. Dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng ở mức kỷ lục, đạt 36,6 tỷ USD và tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Con số này đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới bị suy giảm và dòng vốn đầu tư toàn cầu quốc tế suy giảm là nỗ lực rất lớn của Việt Nam.
Hiện tại, Việt Nam được MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên và được đưa vào chỉ số thị trường cận biên (FM). Cho đến nay, thị trường Việt Nam vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số FM (hơn 30% tổng tài sản quản lý (AUM)) và đã đạt đến giới hạn có thể kỳ vọng trong rổ chỉ số cận biên.
Không những vậy, kể từ tháng 9/2018, Việt Nam lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russell lên thị trường mới nổi và được MSCI theo dõi xem xét định kỳ. Việc nâng hạng TTCK sẽ là lực đẩy đáng kể cho thị trường vốn Việt Nam và có mức vốn hóa đạt quy mô cũng như tính thanh khoản hấp dẫn ngang hàng với nhiều nước đang phát triển có trình độ phát triển tương tự như Việt Nam.
Giải bài toán nâng hạng thị trường
Để thu hút hàng chục tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam trong vòng 6 năm tới, Việt Nam cần có kế hoạch, những giải pháp cụ thể. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ ở thời điểm hiện tại.
Cần có kế hoạch, giải pháp để thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng, thu hút vốn đầu tư mới. Ảnh: VGP |
Liên quan đến những giải pháp để nâng hạng TTCK Việt Nam, ông Ketut Ariadi Kusuma, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của World Bank tại Việt Nam thẳng thắn chia sẻ nhiều thông tin thiết thực.
Trong đó, phải xem xét giải quyết các vấn đề về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL) và tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn. Giải pháp bao gồm: Cải thiện công bố thông tin, tăng tiếp cận với các cổ phiếu đã đạt đến giới hạn và quan trọng nhất là tăng giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu FOL vẫn là một hạn chế, Việt Nam có thể sẽ chỉ nhận được dòng vốn ròng tối đa 5 tỷ USD, vì thị trường lúc đó chỉ chiếm chưa đến 1% chỉ số EM toàn cầu. Nhưng nếu FOL được giải quyết hoàn toàn, tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số EM có thể tăng hơn 1% và điều này có thể mang lại thêm 8-15 tỷ USD.
Bên cạnh đó, cần có một môi trường đầu tư lành mạnh trên toàn cầu để Việt Nam cũng có thể tận hưởng sự tăng trưởng tự nhiên của đầu tư toàn cầu vào thị trường mới nổi, ước tính tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm. Điều này có nghĩa là sẽ có thêm 8-12 tỷ USD đầu tư cho đến năm 2030.
Vì nhu cầu đầu tư ngày càng tăng ở Việt Nam nhấn mạnh nhu cầu phải đi kèm với các sản phẩm tài chính chất lượng cao, đặc biệt là cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của một hệ sinh thái lành mạnh, bao gồm sự giám sát chặt chẽ, công bố thông tin rõ ràng và xếp hạng tín dụng đáng tin cậy...
Cùng bàn luận về giải pháp, Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, ông Johan Nyvene bổ sung, để nâng hạng thị trường, cùng với việc mở rộng không hạn chế tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài, cần điều chỉnh hoặc gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, nhất là đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Qua đó, tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công bố thông tin bằng tiếng Anh từ các cơ quan chức năng và các công ty niêm yết cũng như các thành viên thị trường để họ hiểu lợi ích của việc công bố thông tin bằng tiếng Anh và chủ động cập nhật thông tin.
Có như vậy, TTCK Việt Nam sẽ tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và đón nhận dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư trên thế giới. Việc nâng hạng TTCK còn gắn với câu chuyện Việt Nam đang định hướng thành lập một Trung tâm tài chính quốc tế, giúp nâng tầm thị trường Việt Nam và vị thế quốc gia.