Lấp “khoảng trống” pháp lý trong sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp
Sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để phù hợp thực tiễn
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành được Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 3/6/2008, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2009 (thay thế cho Luật thuế TNDN năm 2003). Sau hơn 15 năm thực thi, Luật thuế TNDN đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trước những biến động của tình hình kinh tế thế giới và sự phát triển của nền kinh tế trong nước, Luật Thuế TNDN hiện hành đã bộc lộ một số “khoảng trống” pháp lý trong điều chỉnh các vấn đề thuế mới phát sinh, đòi hỏi phải có những điều chỉnh phù hợp.
Cụ thể, một số tồn tại, hạn chế như chưa đáp ứng được các yêu cầu từ thực tiễn; luật hiện hành chưa thể bao quát hết các vấn đề phát sinh mới trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; một số quy định của Luật Thuế TNDN còn chưa hoàn toàn thống nhất với các quy định của pháp luật khác, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đòi hỏi hệ thống pháp luật thuế phải được điều chỉnh để phù hợp với các cam kết quốc tế.
Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, cần có những điều chỉnh phù hợp. Ảnh minh hoạ |
Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) Trương Bá Tuấn khẳng định, Luật Thuế TNDN đã thực hiện xóa bỏ triệt để sự đối xử phân biệt về chính sách thuế giữa các thành phần kinh tế, loại hình DN; thực hiện giảm nghĩa vụ thuế cho DN thông qua việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế TNDN phổ thông. Cùng với đó, Luật đã điều tiết được hầu hết các khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng cơ sở thuế phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Trương Bá Tuấn cho biết, theo sự phát triển kinh tế - xã hội, Luật Thuế TNDN đã bộc lộc một số hạn chế như chưa đáp ứng được các yêu cầu từ thực tiễn và các yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế, cũng như đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật…
Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ Tài chính đã ban hành Dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi). Theo đó, dự thảo tập trung vào các nội dung chính sau: quy định liên quan đến người nộp thuế và thu nhập chịu thuế; quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế, được trừ và không được trừ khi tính thuế; quy định về phương pháp tính thuế và các quy định điều chỉnh thuế suất đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ phù hợp với yêu cầu, bối cảnh mới.
Về mức thuế suất, dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) bổ sung quy định về mức thuế suất đối với nhóm DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Thống nhất áp dụng mức thuế suất 15%/năm đối với các DN có tổng doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm; 17%/năm đối với các DN có doanh thu từ 3 tỷ đồng dưới 50 tỷ đồng.
Việc sửa đổi Luật Thuế TNDN là một bước đi cần thiết để hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế, tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Còn nhiều băn khoăn
Dù được kỳ vọng sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng doanh nghiệp.
Một trong những điểm gây tranh cãi lớn nhất là quy định về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Cụ thể, việc bổ sung quy định “Khoản chi không đáp ứng điều kiện chi, nội dung chi theo quy định của pháp luật chuyên ngành” khiến cho doanh nghiệp lo ngại về sự mơ hồ và dễ bị hiểu sai. Điều này có thể dẫn đến việc nhiều khoản chi hợp lý của doanh nghiệp bị loại trừ khi tính thuế, gây ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, quy định về việc doanh nghiệp nước ngoài phải nộp thuế TNDN theo tỷ lệ phần trăm doanh thu đối với doanh thu từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng tài sản cũng gây ra nhiều tranh cãi. Theo đại diện VCCI, quy định này có thể làm giảm đi động lực đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là đối với các dự án có rủi ro cao.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nêu quan điểm, để phù hợp với thời cuộc, việc sửa đổi Luật Thuế TNDN là cần thiết. Tuy nhiên, các sắc thuế phải đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, đảm bảo công bằng đối với mọi đối tượng, không làm hệ thống thuế phức tạp thêm bằng các ưu đãi chắp vá đối với một vài đối tượng nộp thuế. Việc phân tích ra nhiều loại thuế suất trong cùng 1 sắc thuế khiến chính sắc thuế rắc rối, khó thực hiện, dễ xảy ra tình trạng thông đồng, trốn tránh, tham nhũng do áp dụng sai ưu đãi về thuế suất.
Để đảm bảo dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) thực sự hiệu quả và được cộng đồng doanh nghiệp đồng thuận, cần giải quyết một số vấn đề về quy định các khoản chi không được trừ cần được làm rõ hơn để tránh gây hiểu nhầm và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuân thủ. Các chính sách thuế cần được thiết kế sao cho đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp, tránh tình trạng phân biệt đối xử. Các thủ tục hành chính liên quan đến thuế cần được đơn giản hóa để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Những quy định về thuế cần được công khai, minh bạch để doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt và thực hiện.
Dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) là một cơ hội để hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế và tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo dự thảo luật này thực sự hiệu quả, cần có sự tham gia đóng góp ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Luật Thuế TNDN (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10/2024 và dự kiến thông qua vào Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5/2025. |