Làng hoa Tây Tựu: Nơi mùa xuân đến sớm
Rực rỡ sắc hoa xuân
Làng hoa Tây Tựu, huyện Từ Liêm hiện được xem là làng hoa lớn nhất Hà Nội. Đây cũng là nguồn cung cấp hoa tươi lớn nhất cho người dân thủ đô. Chúng tôi tìm đến làng hoa khi chỉ hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Thời điểm này, những nông dân làng hoa Tây Tựu đang cần mẫn bên những luống hoa. Họ tất bật tỉa cành, tưới nước cho những luống cúc, hoa ly, đồng tiền... đang vào kỳ kết nụ, nở hoa để kịp tung ra thị trường đúng dịp Tết. Với làng nghề có lịch sử gần 100 năm này, dường như lúc nào mùa xuân cũng đến sớm.
Cần mẫn bên ruộng hoa cúc chuẩn bị thu hoạch vào dịp Tết, ông Đỗ Đắc Trí (tổ dân phố Trung 8, thôn Thượng, xã Tây Tựu) cho biết: Gia đình ông có 7 sào hoa cúc. Thời điểm này, mọi người trong gia đình phải thay phiên nhau tưới nước, chăm sóc cho hoa, đảm bảo hoa phát triển đúng độ, nở đều và đẹp đúng ngày Tết. Theo ông Đỗ Đắc Trí, trồng hoa ngày Tết cần phải tính toán kỹ lưỡng thời gian sinh trưởng, phát triển, tránh để hoa nở trước hoặc sau Tết quá xa, lúc đó hoa sẽ không được giá mà chất lượng cũng không cao. Ông Đỗ Đắc Trí cho biết: “Cây cúc thì thường là 3 tháng sẽ thu hoạch, nhưng nếu rét thì 3 tháng 10 ngày hoặc 3 tháng rưỡi. Do không trồng trong nhà kính, nhà lưới nên việc ra hoa cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết… 1 sào hoa cúc gia đình ông đầu tư khoảng 10 triệu đồng, cho thu nhập khoảng 20-30 triệu đồng. Dự báo thị trường năm nay, ông Trí cho rằng, hoa cúc sẽ đắt lên từ nay đến Tết Nguyên đán do thời tiết rét, và thời điểm vào cây giống, do trời mưa, đất ướt, người dân không làm được cây giống.
|
Chị Nguyễn Thị Hồng, tổ dân phố Hạ 9, thôn Thượng, xã Tây Tựu chia sẻ, gia đình có 5 sào trồng toàn hoa hồng, hoa cúc. Nghề trồng hoa Tết phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nắng nồm thì hoa rẻ nhưng nếu trời lạnh thì hoa sẽ đắt. Vụ hoa Tết năm nay cũng chưa biết "thắng, thua" thế nào vì thời tiết diễn biến phức tạp.
Còn theo chia sẻ của ông Nguyễn Tự Nguyên, khu phố Hạ 3, phường Tây Tựu, nghề trồng hoa tại Tây Tựu được hình thành từ năm 1930, nhưng phải đến đầu những năm 90, người dân mới bắt đầu tập trung trồng hoa. Ông vẫn nhớ thời điểm những cây hoa đầu tiên được đưa về trồng thí điểm thay cho các loại cây trồng truyền thống như lúa, cà chua, dưa lê..., và không ngờ hoa lại hợp đất đến thế! Thấy hoa phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa, trồng dưa, trồng cà, người dân Tây Tựu bảo nhau cùng chuyển đổi sang trồng hoa. Cứ thế, làng hoa ven đô hình thành rồi phát triển vững chắc như hôm nay.
|
|
Trăn trở cho sự phát triển bền vững của làng nghề
Theo ông Đặng Trần Phi - Chủ tịch UBND phường Tây Tựu, hiện làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu có 3.109 hộ trồng hoa và là nguồn sinh kế của khoảng 80% số hộ dân trên địa bàn. Với giá trị sản xuất đạt trung bình 300 triệu đồng/sào/năm, cây hoa đang mang lại nguồn thu rất quan trọng, góp phần cải thiện đời sống cho một phần lớn người dân địa phương. Dù vậy, nghề trồng hoa nơi đây đang đứng trước nhiều thách thức. Bên cạnh diện tích đất canh tác sụt giảm qua từng năm, người trồng hoa Tây Tựu còn thường xuyên đối mặt với nỗi lo thời tiết. Đơn cử, vụ hoa Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 vừa qua, một số hộ trồng hoa ly bị lỗ khá nặng do hoa nở không đúng thời điểm. Đặc biệt, lối canh tác manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu vẫn theo hình thức “tự sản tự tiêu” khiến giá trị ngành sản xuất chưa đạt như kỳ vọng.
Hiện làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu có 3.109 hộ trồng hoa. UBND xã đang phối hợp với UBND quận Bắc Từ Liêm xây dựng đề án phát triển du lịch giai đoạn 2017-2020. |
Bên cạnh đó, thay vì việc áp dụng kỹ thuật trồng hoa hiện đại, nhiều hộ dân tại làng Tây Tựu - “vựa hoa” của Hà Nội vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tràn lan để có được những bông hoa đẹp chờ Tết. Nhiều nông dân khác trong khu vực cũng không nắm được các loại thuốc trừ sâu mà họ sử dụng. Họ có thói quen đi tới các hiệu thuốc BVTV và mua sản phẩm theo các công dụng như trừ sâu, diệt bọ rầy, nấm…, chứ ít khi để ý tới các loại hoạt chất có trong thuốc. Anh Nguyễn Văn Thành, một người trồng hoa của làng Tây Tựu chia sẻ, cứ lúc nào có bệnh là phun thuốc. Riêng hoa cúc, hoa ly còn có kỳ, chứ hoa hồng thì tuần nào cũng phải phun thuốc mới cho bông đẹp được. Thời gian phun thuốc nhiều nhất là khi hoa bắt đầu hé nụ. Đây là thời điểm sâu, bọ dễ tấn công vào bên trong cánh hoa nên hoa rất dễ bị đui, xấu. Mỗi sào hoa ước tính mất cả 100 lít nước pha thuốc. Việc sử dụng thuốc BVTV tràn lan khiến đất bị chai cứng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân trồng hoa.
Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa quá nhanh cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của làng nghề. Ông Đặng Trần Phi chia sẻ, trên địa bàn phường đang có rất nhiều dự án phát triển giao thông đô thị, diện tích đất nông nghiệp dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Dù phường Tây Tựu đã quy hoạch trong kế hoạch sử dụng đất một diện tích trồng hoa ổn định, nhưng con số này hiện chỉ còn khoảng 80 ha.
Theo ông Đặng Trần Phi, với diện tích hoa dự kiến sẽ còn bị thu hẹp, địa phương rất mong muốn thời gian tới, UBND TP. Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm tiếp tục quan tâm, có những chính sách đầu tư cụ thể nhằm từng bước đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng vùng chuyên canh hoa. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ cho vay vốn phát triển sản xuất kết hợp hướng dẫn chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất (bao gồm cả bảo quản hoa sau thu hoạch). Bên cạnh đó, phát triển chợ hoa Tây Tựu, xây dựng chợ hoa Tây Tựu thành chợ có quy mô lớn. Có quy hoạch vùng hoa chất lượng cao được đầu tư công nghệ của các nước tiên tiến trên thế giới phục vụ nhu cầu sản xuất ra các sản phẩm hoa sạch, chất lượng cao, tạo điều kiện để xuất khẩu ra thị trường thế giới. Có như vậy, chính quyền và nhân dân phường Tây Tựu mới có điều kiện phấn đấu xây dựng làng hoa thành vùng hoa chất lượng cao của Thủ đô.