Làm thế nào để Việt Nam hấp dẫn khách quốc tế?
Du lịch tăng tốc thu hút khách quốc tế Khách quốc tế tăng vọt, điểm đến Việt Nam tạo đà bứt phá |
Sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đã tổ chức rất nhiều hội thảo để sớm quay lại quỹ đạo phát triển giai đoạn 2017-2019. Năm 2022, du lịch nội địa Việt Nam đã đạt kết quả kỷ lục với 101,5 triệu lượt khách, tăng 19% so với lượng khách nội địa năm 2019, tuy nhiên, khách quốc tế mới được 3,5 triệu lượt.
Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Thái Lan đón 1,38 triệu lượt khách quốc tế, trong khi, Việt Nam chỉ đón được có 16.000, thấp hơn 90 lần. Chưa kể, Thái Lan đang là điểm đến ưu tiên của du khách Trung Quốc sau Covid-19, còn Việt Nam thì không.
Góc nhìn khu vực ASEAN
Bắt đầu từ ngày 6/2, Trung Quốc cho phép các doanh nghiệp nước này nối lại hoạt động đưa khách theo như: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Malpes, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, New Zealand và Fiji. Các quốc gia còn lại là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập, Kenya, Nam Phi, Nga, Thụy Sĩ, Hungary, Cuba và Argentina. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì trong danh sách này không có Việt Nam, trong khi đó mỗi ngày Thái Lan hiện đón tới 40 chuyến bay từ Trung Quốc.
Năm 2019, Việt Nam đón khoảng gần 6 triệu lượt khách Trung Quốc tương đương 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Thực ra, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã sớm chuẩn bị để đón khách Trung Quốc cả đường bộ lẫn đường hàng không sau khi nước này cho công dân đi du lịch. Thậm chí, ngày 9/1, tại Móng Cái, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với tỉnh Quảng Ninh, các doanh nghiệp đón khách Trung Quốc và đối tác liên quan tổ chức Hội nghị với chủ đề “Giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam”.
Khách Trung Quốc luôn là thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam. Ảnh: VT |
Khách Trung Quốc luôn là thị trường lớn nhất của du lịchViệt Nam bởi đặc trưng là đi đoàn nhiều người, thường bao trọn cả một khách sạn lên đến hàng trăm phòng, hoặc những nhà hàng có thể đón lượng khách đông. Nếu không đón được thị trường tiềm năng này thì mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2023 của chúng ta có nguy cơ không hoàn thành, nhất là khi thị trường du khách Nga chưa hẹn ngày trở lại.
Chiến sự Nga - Ukraine làm đồng rúp mất giá khiến Việt Nam mất đi một lượng khách Nga phân khúc tầm trung và thấp, số khác đã gác lại ý định đi du lịch vì lo ngại kinh tế sẽ gặp khó khăn. Việt Nam từng đón kỷ lục 646.000 khách du lịch từ Nga trong năm 2019, trước khi Covid-19 bùng phát. Nga trở thành thị trường nguồn lớn thứ sáu sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ.
Kỳ nghỉ năm mới 2023, Thái Lan vẫn là điểm đến du khách Nga yêu thích nhất với tỷ lệ đặt vé máy bay chiếm 38,7%, tiếp theo là Indonesia (10,9%), Việt Nam (10,8%), Philippines (5,5%) và Thổ Nhĩ Kỳ (5,1%), báo Nga Russia Travel Digest đưa tin. Dữ liệu này được trích dẫn theo OneTwoTrip về các chuyến bay khởi hành từ ngày 31/12 đến ngày 8/1/2023.
Để hoàn thành mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch quốc tế năm nay sẽ có khá nhiều vấn đề. Thậm chí, kể cả khi đạt con số 8 triệu khách quốc tế, chúng ta vẫn phải tìm câu trả lời: “Tại sao tỷ lệ khách quốc tế quay lại Thái Lan là 40% còn Việt Nam chỉ 15% (số liệu năm 2019- trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện) và làm thế nào để đuổi kịp Thái Lan”- TS Phạm Thành Trí - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam chia sẻ. Nên nhớ 40% trong hơn 40 triệu du khách quốc tế quay trở lại Thái Lan là 16 triệu người, gần bằng số du khách quốc tế đến Việt Nam năm đó.
Góc nhìn toàn cầu
TS Đỗ Cao Bảo- thành viên sáng lập FPT vừa có mặt tại Thủ đô Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) chia sẻ: “Có mặt tại Istanbul 5 ngày đầu năm, tôi đã phải chứng kiến những điều gây khó chịu cho du khách quốc tế ở Thổ Nhĩ Kỳ rất nhiều, chắc chắn là nhiều và nặng hơn Việt Nam, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang là một trong những quốc gia thu hút du khách quốc tế nhiều nhất thế giới.”
Được biết, năm 2019 Thổ Nhĩ Kỳ đón gần 52 triệu lượt du khách quốc tế, riêng Istanbul đã đón 15 triệu lượt du khách quốc tế (Việt Nam đón 18 triệu lượt du khách quốc tế). Sau đại dịch Covid-19, hầu hết các quốc gia đều lèo tèo du khách, thế mà chỉ 7 tháng đầu năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã đón tới 26 triệu lượt du khách quốc tế.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có nhiều điểm thăm quan rất hấp dẫn du khách quốc tế. Ảnh: Đỗ Cao Bảo |
Bên cạnh việc có hãng hàng không Turkish Airlines rất tuyệt vời, check in khách sạn rất tốt thì Istanbul vẫn tắc đường, thậm chí tắc hơn Hà Nội, taxi ở Istanbul mè nheo đòi thêm tiền, gấp đôi số tiền đồng hồ, nạn chặt chém khách quốc tế rất nặng, chính phủ chặt bằng giá vé vào các điểm thăm quan (bảo tàng, cung điện, lâu đài, nhà thờ), giá vé cho du khách quốc tế cao gấp 2-3 lần giá vé cho người Thổ Nhĩ Kỳ. Mua bán ở chợ trời thì nói thách cao gấp 3 lần là không hiếm, rồi nạn vây du khách, dẫn du khách đi hết cửa hàng này đến cửa hàng khác, nạn trộm cắp, lừa đảo không phải hiếm.
TS Đỗ Cao Bảo cho rằng, quan trọng nhất là Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều điểm thăm quan rất hấp dẫn du khách quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ là nơi giao thoa văn hoá, kiến trúc Á Âu, là nơi có đầy đủ các di tích của các triều đại đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, từ đế quốc Hy Lạp cổ, đế quốc La Mã, đế quốc Ba Tư đến đế quốc Ottoman.
Tiếp theo là visa cho du khách quốc tế, ngoài các quốc gia được miễn visa, với các du khách đã có visa vào EU, bay đến và bay đi bằng hãng hàng không Turkish Airlines, việc cấp visa được thực hiện online và visa được cấp trong vòng một giờ.
Như vậy, để Việt Nam có thể thu hút nhiều du khách quốc tế hơn nữa, hoàn thành mục tiêu 8 triệu khách du lịch quốc tế năm 2023, chúng ta cần tập trung làm thật tốt hai điểm mấu chốt. Đó là xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn và visa cho du khách quốc tế, hãy miễn visa cho nhiều nước hơn, hãy cấp visa dài ngày hơn; hãy xác định đâu là các sản phẩm du lịch chính hấp dẫn du khách quốc tế, hấp dẫn đến mức mà họ sẵn sàng bỏ qua những nguyên nhân phụ như nụ cười của nhân viên an ninh cửa khẩu, như nạn tắc đường ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, họ sẵn sàng vượt qua nạn chặt chém của các dịch vụ ăn uống, bán đồ lưu niệm.
Bài học kinh nghiệm của ngành du lịch Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ rút ra là đừng quá để ý vào các nguyên nhân phụ mà thiếu tập trung giải quyết thật tốt các nguyên nhân chính. Bài học này không chỉ đúng cho ngành du lịch mà còn đúng cho tất cả ngành kinh tế khác, cho các lĩnh vực khác.