Làm gì để bảo toàn tính mạng khi xảy ra các vụ cháy?
Những con số biết nói
Trong đời sống và nhiều diễn đàn mạng xã hội hiện nay, chủ đề “hỏa hoạn, cháy nhà và cháy nhà chết người” đang rất nóng, được nhiều người quan tâm, bàn luận. Trong đó, câu hỏi đặt ra nhiều hơn cả hướng về các vụ hỏa hoạn khiến chúng ta không khỏi giật mình, suy ngẫm mỗi khi xảy ra cháy nhà: “Sao dạo này cứ cháy nhà lại chết nhiều người thế”?
Nhìn từ thực tế, đó là những điều trăn trở đã xảy đến và dường như thường trực trong đời sống của chúng ta với tần suất có vẻ ngày một nhiều hơn. Nó để lại những nỗi đau lớn hơn, thiệt hại về tài sản nặng nề hơn và đang có chiều hướng gia tăng (!?).
Có phải mỗi chúng ta đang thờ ơ, lơ là với công tác phòng cháy, chữa cháy? Ảnh: Huy Phan |
Chắc mọi người vẫn còn nhớ, vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) xảy ra đêm 12/9/2023 đã lấy đi sinh mạng 56 người và nhiều người bị thương khác đến nay vẫn còn chưa hết ám ảnh. Hay như rạng sáng 24/5/2024, tại ngôi nhà số 1 ngách 43/98/31 phố Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) được tận dụng để buôn bán, sửa chữa xe điện bất ngờ bốc cháy dữ dội khiến 14 người tử vong, nhiều người bị thương.
Cách đây ít ngày, hai vụ hỏa hoạn ở Hà Nội và Bắc Giang đã khiến 7 người vĩnh viễn nằm xuống cùng dưới “bàn tay” của "bà hỏa". Như vụ cháy ngôi nhà 2 tầng tại số nhà 43, đường Hoàng Hoa Thám (phường Đa Mai, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), khiến 3 người tử vong. Vụ cháy tại tầng 4, nhà dân ở số 207 phố Định Công Hạ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vào chiều 16/6, làm 4 người thiệt mạng. Trước đó (ngày 17/2/2024), ngọn lửa bùng lên dữ dội từ căn nhà 3 tầng trong hẻm đường Cách Mạng Tháng 8, phường 15, quận 10, TP. HCM đã khiến 4 người trong cùng một gia đình thiệt mạng…
Hãy tự cứu mình trước
Vậy, vì sao “cháy nhà lại chết nhiều thế”? Có phải mỗi chúng ta đang thờ ơ, lơ là với công tác phòng cháy, chữa cháy? Phải làm gì để bảo toàn tính mạng khi xảy ra cháy nhà? cháy xưởng? Có lẽ chúng ta phải sống chung thôi, nhưng bài học xương máu được rút ra từ các vụ cháy là gì? Ngay lúc này và luôn bây giờ, chúng ta muốn hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản từ các vụ hỏa hoạn, con đường ngắn nhất là mỗi người dân cần là một “pháo đài” vững chắc giệt “giặc lửa”. Đó là cần phải trang bị cho mình và người thân những kiến thức, kỹ năng cơ bản về công tác phòng cháy, chữa cháy như một cuốn cẩm nang bỏ túi.
Hầu hết các vụ hỏa hoạn có nguyên nhân từ ý thức chấp hành các quy định phòng cháy, chữa cháy của người dân chưa cao. Ảnh: Huy Phan |
Theo thống kê còn cho thấy, hầu hết các vụ hỏa hoạn có nguyên nhân từ ý thức chấp hành các quy định phòng cháy, chữa cháy của người dân và người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh chưa cao. Nhất là trong thời tiết nắng nóng trên diện rộng như hiện nay, nhiệt độ tăng cao dẫn đến nhu cầu sử dụng đồ điện gia tăng, khiến cho nguy cơ quá tải về điện, dễ xảy ra sự cố chập cháy.
Vì thế, các thiết bị làm mát như điều hòa hoặc quạt, người dân nên thường xuyên kiểm tra phát hiện, bảo dưỡng, thay thế để ngăn chặn, hạn chế rủi ro cháy nổ. Đồng thời, thực hành chính sách tiết kiệm, tắt điện khi không sử dụng để tránh quá tải, dẫn đến nguy cơ cháy nổ…
Ngoài ra, nhằm bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, kiểm tra xử lý những vi phạm quy định an toàn phòng cháy, các địa phương cần đẩy mạnh và nhân rộng mô hình an toàn phòng cháy, chữa cháy ở ngay tại cơ sở. Thường xuyên tổ chức tập huấn, tổ chức điểm chữa cháy công cộng để người dân có cơ hội tham gia, bồi dưỡng kỹ năng thường xuyên. Mỗi gia đình cần trang bị, dự phòng cho mình các thiết bị chữa cháy như bình cứ hỏa mini, dây thang… để phòng thân.
Để hạn chế tối đa hậu quả, mọi người dân phải nêu cao tinh thần tự ý thức hơn nữa, kỹ năng bảo vệ, ứng phó khi xảy ra cháy và coi công tác chữa cháy là trách nhiệm của chính mình. Bởi, khi người dân vẫn “chơi” với lửa và không thể là “pháo đài” vững chắc giệt “giặc lửa” thì e rằng những ẩm họa, mối đe dọa từ “bà hỏa” vẫn kề cận trên chính chiếc gối đầu êm ái của mình!
Việc tuyên truyền, kiểm tra xử lý những vi phạm quy định an toàn phòng cháy, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa. Ảnh: Huy Phan |
Những vụ hỏa hoạn làm hàng trăm người thiệt mạng đã nêu ở trên là những con số biết nói vẫn còn nguyên tính thời sự, khiến chúng ta không khỏi đau sót. Đừng để hỏa hoạn trở thành những con số thống kê hàng ngày như các vụ tai nạn giao thông. Hãy tự cứu mình trước khi nghĩ đến người khác đến cứu mình.
Đó là việc làm thiết thực nhất, bởi chẳng ai muốn những điều tồi tệ đó xảy đến với mình và người khác, nhưng nó vẫn diễn ra thường xuyên và với tần suất dày đặc hơn, số lượng người thương vong ngày càng lớn cần phải đưa lên mức cảnh báo cao độ. Vì nhiều người vẫn còn nghĩ, cháy nhà chắc không đến với mình nên tâm lý chủ quan, hời hợt trong công tác phòng trừ, dự phòng các công cụ hỗ trợ chữa cháy. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” thì mọi chuyện đã quá muộn!