5 chính sách cơ bản vừa được bổ sung trong Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy
Theo Bộ Công an, Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; cụ thể hoá và tạo cơ sở pháp lý bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp 2013 và thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ |
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khoẻ con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức cá nhân; tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và hội nhập quốc tế. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Phòng cháy và chữa cháy hiện hành và bổ sung quy định đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới, Bộ Công an đã chủ trì xây dựng dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy cà cứu nạn, cứu hộ với 5 chính sách cơ bản, gồm:
Một là, về hoạt động phòng cháy, chữa cháy; phân loại cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy; phân cấp, xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy.
Quy định bao quát, cụ thể các loại hình cơ sở thuộc diện quản lý; phân cấp, xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy.
Thêm đó, nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh các quy định còn chưa cụ thể, chưa rõ ràng hoặc bổ sung các nội dung mới để đảm bảo thực thi quy định về hoạt động phân loại cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy; phân cấp, xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy.
Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ sở, chủ hộ gia đình, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy; đẩy mạnh việc phân công, phân cấp, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong công tác đầu tư, quản lý hoạt động phòng cháy, chữa cháy.
Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy.
Bộ Công an đã chủ trì xây dựng dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy cà cứu nạn, cứu hộ với 05 chính sách cơ bản |
Hai là, về các hoạt động cứu nạn, cứu hộ có tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân.
Bổ sung các quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động cứu nạn, cứu hộ, phạm vi hoạt động cứu nạn, cứu hộ, các điều kiện bảo đảm và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác cứu nạn, cứu hộ; quy định phòng ngừa sự cố, tai nạn.
Huấn luyện kỹ năng, nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phương án sẵn sàng xử lý các tình huống cứu nạn, cứu hộ; công tác tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về cứu nạn, cứu hộ; chế độ chính sách đối với lực lượng thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ và những vấn đề khác có liên quan tới công tác cứu nạn, cứu hộ
Ba là, quy định thực hiện xã hội hoá công tác phòng cháy, chữa cháy. Sửa đổi, bổ sung các quy định để đẩy mạnh xã hội hoá một số nội dung trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy như: Tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát về phòng cháy, chữa cháy; kiểm định kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy; thi công lắp đặt, bảo dưỡng hệ thống phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy.
Bên cạnh đó, có chính sách ưu đãi thuế đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp phương tiện phòng cháy, chữa cháy; hoàn trả bồi thường thiệt hại phương tiện, tài sản được huy động để chữa cháy; chính sách đối với người tham gia chữa cháy; chính sách khuyến khích đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy…
Bốn là, về xây dựng, bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Điều chỉnh quy định việc xây dựng, bố trí lực lượng phù hợp với từng địa phương, địa bàn và linh động để các địa phương được chủ động căn cứ vào yêu cầu công tác bảo đảm phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở từng địa bàn, cơ sở.
Quy định cụ thể toàn diện nhiệm vụ trong văn bản luật, nhất là những nhiệm vụ có liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, qua đó bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng như bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013.
Đổi mới và đa dạng hoá hình thức, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện để nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; củng cố phát triển lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, chuyên ngành và dân phòng; nghiên cứu quy định về hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tình nguyện để tăng cường nguồn nhân lực phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Năm là, bảo đảm điều kiện đối với hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Huy động nguồn lực đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ từ các nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA, nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ, nguồn đóng góp tự nguyện, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài và các nguồn lực khác theo quy định pháp luật.
Đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư phát triển phòng cháy, chữa cháy thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, Hiệp hội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam và các tổ chức xã hội khác; bổ sung hoàn thiện chế độ, chính sách nhằm thu hút nhân lực phục vụ chuyên nghiệp trong lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở.