Lãi suất tuột dốc, tiền gửi của người dân vẫn "đổ" vào ngân hàng: Vì sao?
Theo ghi nhận trên thị trường tài chính, lãi suất tiền gửi được các ngân hàng đang niêm yết ở mức khá thấp, nhiều nhà băng đưa lãi suất tiền gửi các kỳ hạn về dưới 6%/năm.
Khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV, lãi suất tiền gửi dao động trong khoảng 5,1% - 5,3% kỳ hạn 12 tháng.
Trong khi đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất huy động tiếp tục giảm, dao động trong khoảng 4,1% - 6,3% kỳ hạn 1 năm. Tính chung, từ đầu tháng 11 đến nay, đã có ba ngân hàng giảm lãi suất huy động là Sacombank, VIB và VPBank.
Đáng chú ý, dù lãi suất tiền gửi giảm song tiền gửi của dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng vẫn duy trì mức cao. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến tháng 8/2023, số dư tiền gửi của dân cư vào hệ thống tổ chức tín dụng đạt trên 6,43 triệu tỷ đồng, tăng mạnh 9,68% so với cuối năm ngoái. Tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng vượt 6 triệu tỷ đồng, không còn bị âm như những tháng trước mà đã tăng trưởng dương trở lại (+1% so với cuối năm ngoái).
Lãi suất tiền gủi tiếp tục xu hướng giảm. Ảnh minh họa |
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, việc người dân chọn gửi tiền vào ngân hàng mặc dù lãi suất thấp có thể được giải thích bằng một số nguyên nhân như an toàn tài chính, dễ dàng tiếp cận, sự ổn định và ít rủi ro.
Cụ thể, ông Long cho rằng người dân thường đánh giá cao tính an toàn của tiền gửi tại ngân hàng. Trái với các kênh đầu tư khác như chứng khoán hoặc bất động sản, tiền gửi tại ngân hàng có rất ít rủi ro.
Thứ nữa, thủ tục gửi tiền vào ngân hàng thường đơn giản và dễ dàng hơn so với các kênh đầu tư phức tạp hơn như chứng khoán hoặc bất động sản. Người dân không cần kiến thức chuyên sâu về thị trường tài chính để thực hiện gửi tiền.
Bên cạnh đó, mức lãi suất tiết kiệm vẫn cao hơn mức lạm phát, điều này có nghĩa rằng tiền nhà đầu tư vẫn có lợi suất thực tế dương sau khi điều chỉnh cho mức tăng giá hàng hóa và dịch vụ.
“Trong bối cảnh hiện nay, người dân có thể tìm kiếm sự ổn định trong việc gửi tiền tại ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế không chắc chắn hoặc biến động thị trường”, chuyên gia nói.
Đồng quan điểm, trả lời báo chí, TS Đinh Thế Hiển, cũng cho rằng dù lãi suất thấp nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng bởi các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản không còn hấp dẫn và nhiều rủi ro. Từ giờ đến cuối năm dù lãi suất gửi tiết kiệm tiếp tục giảm, người dân vẫn chọn gửi ngân hàng. Hiện mức lãi suất tiết kiệm vẫn cao hơn lạm phát nên tiền nhà đầu tư vẫn có lợi.
Lãi suất cho vay có giảm?
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ theo xu hướng nới lỏng từng bước phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô bằng việc 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm nhằm định hướng và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, góp phần tăng cường đầu tư xã hội, hỗ trợ sản xuất, tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm.
Hiện lãi suất cho vay bằng tiền VNĐ đã giảm bình quân khoảng 1,5 - 2,0%/năm so với cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do tác động của độ trễ chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành.
"Từ đầu năm chỉ kỳ vọng giảm 1,5% nhưng mới tháng 10 đã giảm mức 1,5%-2% từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm", ông Tú khẳng định.
Theo giới chuyên gia, việc giảm lãi suất cho vay, tăng cường cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp là một tín hiệu tích cực về chính sách tiền tệ của Việt Nam trong việc hỗ trợ kích thích nền kinh tế, giúp giảm bớt áp lực tài chính cho doanh nghiệp.
Cụ thể, việc giảm lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp có cơ hội vay vốn với điều kiện tài chính thuận lợi hơn, có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất, đầu tư và tạo việc làm. Bên cạnh đó, việc cung cấp thêm hàng nghìn tỷ đồng cho thị trường trái phiếu giúp thúc đẩy phát triển thị trường này, làm giảm áp lực tài chính cho các doanh nghiệp và ngân hàng.
Nhìn chung, những biện pháp của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã giúp kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính tại Việt Nam.