Kon Tum: Tăng cường phổ biến nâng cao nhận thức về hiệp định EVFTA
EVFTA thúc đẩy tăng trưởng thương mại, đầu tư Việt Nam - EU theo hướng tích cực |
Tích cực tuyên truyền về các hiệp định EVFTA
UBND tỉnh Kon Tum cho biết, đến hết năm 2022, tỉnh Kon Tum mới chỉ có 6 doanh nghiệp xuất khẩu sang các nước thành viên hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU), CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), UKVFTA (hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ireland). Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của 6 doanh nghiệp này đã chiếm tỷ lệ 21% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đó là một tín hiệu tích cực. Trong đó, xuất khẩu đi thị trường EVFTA chiếm 11%, CPTPP chiếm 10% và sang Vương quốc Anh mới chiếm 0,3%.
Cà phê, cao su là mặt hàng xuất khẩu chính của tỉnh Kon Tum sang các thị trường các quốc gia thành viên hiệp định EVFTA |
Nhằm nâng cao nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, Hiệp định EVFTA nói riêng cho cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua, tỉnh Kon đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về hội nhập kinh tế quốc tế, các nội dung cơ bản, chủ yếu về Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, các văn bản hướng dẫn thực hiện Hiệp định của Bộ, ngành Trung ương bằng nhiều hình thức: tổ chức hội nghị, hội thảo; các văn bản thông báo; đăng tải các tin, bài, phóng sự; đăng các nội dung liên quan trên Cổng thông tin điện tử của các Sở, ngành.
Lồng ghép nhiều chương trình tập huấn, tuyên truyền về CPTPP, EVFTA, UKVFTA bằng việc tổ chức tập huấn về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập quốc tế, tập huấn về công tác thông tin đối ngoại cho cán bộ làm việc tại các Sở, ngành, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin, các Sở, ban ngành, Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế của tỉnh Kon Tum tăng cường nghiên cứu, dự báo và cung cấp thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế; thường xuyên đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, dự báo về các thị trường xuất nhập khẩu, tình hình xuất khẩu nông sản hàng tháng cho doanh nghiệp nắm bắt và chủ động trong việc phát triển thị trường, đặc biệt là các thị trường của các nước CPTPP và thị trường các nước EU, thị trường UKVFTA và thị trường trong nước.
Tỉnh cũng đã rà soát, sửa đổi hoặc bãi bỏ những thủ tục hành chính còn vướng mắc bất cập hoặc không còn hiệu lực trong thẩm quyền của tỉnh. Tạo điều kiện, phối hợp với các địa phương khác trong cả nước tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp xuất khẩu trong và ngoài tỉnh nhằm mở rộng giao lưu hợp tác kinh tế giữa các ngành, các địa phương, các tỉnh, thành phố trong cả nước; liên kết hoạt động và hỗ trợ để cùng phát triển, góp phần nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
Sở Công Thương tỉnh đã xây dựng và triển khai các đề án xúc tiến thương mại như: tham gia, vận động, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ định hướng xuất khẩu, tổ chức các đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài, chú trọng vào các thị trường truyền thống và thị trường mới thuộc các nước FTA đã ký kết với Việt Nam,....; ưu tiên cho chương trình xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu, nhất là phát triển thị trường xuất khẩu trọng điểm, thị trường truyền thống và xâm nhập thị trường mới cho từng ngành hàng của các nước nhập khẩu.
Đề xuất tăng cường hỗ trợ tuyên truyền chuyên sâu về các FTA thế hệ mới
Theo UBND tỉnh Kon Tum, việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.
Phần lớn các doanh nghiệp tại tỉnh Kon Tum quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu và chưa dành sự quan tâm đúng mức đến các FTA thế hệ mới như Hiệp định EVFTA, CPTPP |
“Mặc dù đã chủ động ban hành Kế hoạch thực hiện các FTA, tăng cường tuyên truyền, phổ biến và cập nhật các thông tin về FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuận lợi trong việc tìm kiếm thông tin và tham gia các FTA, tuy nhiên hiệu quả mang lại từ việc triển khai thực hiện các FTA chưa được như kỳ vọng”, ông Nguyễn Hữu Tháp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nói và cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do cộng đồng doanh nghiệp tại tỉnh chưa thực sự quan tâm, chủ động trong tham gia các FTA, các điều kiện cần thiết như (chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, năng lực cạnh tranh, đội ngũ cán bộ và doanh nghiệp) chưa đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của FTA.
Bên cạnh đó, một khó khăn lớn của doanh nghiệp tỉnh Kon Tum khi tham gia các “sân chơi” FTA đó quy mô doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, vừa, năng lực cạnh tranh thấp. Vì vậy, khi hàng rào thuế quan không còn cũng là lúc các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu đang còn ở khâu giá trị thấp và dễ bị thay thế, không bền vững.
Để việc thực thi các FTA có hiệu quả, tỉnh Kon Tum đề xuất Bộ Công Thương tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền có hệ thống, bài bản về FTAs thế hệ mới ở các cấp độ khác nhau. Đặc biệt lưu ý các nội dung có tính chuyên sâu, mang tính cấp thiết với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân, hạn chế các hoạt động tuyên truyền khái quát chung chung tại địa phương; vận dụng và phát huy hiệu quả các cơ hội đến từ Hiệp định, hạn chế tối đa các thách thức để tối ưu hóa lợi ích mà Hiệp định mang lại cho doanh nghiệp và người dân trong tỉnh. Đặc biệt chú trọng thông tin về CPTPP và EVFTA.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới.
Hỗ trợ tỉnh Kon Tum tăng cường kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương của các nước có nhiều tiềm năng, lợi thế để tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp để tiếp thị sản phẩm, tăng khả năng tiếp cận các thị trường FTA mới.