Kinh tế Việt Nam: Giải bài toán tăng trưởng giữa bối cảnh bất định
Động lực để kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh hơn trong năm 2024 Bức tranh kinh tế Việt Nam 2024: Không chỉ toàn màu hồng Kinh tế Việt Nam đã quay lại xu thế tăng trưởng |
Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 11/4/2024 tại Hà Nội.
Tại Hội thảo, ý kiến các chuyên gia đều cho rằng, cần thiết phải định vị một cách chính xác kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chưa khi nào kinh tế thế giới nhiều bất ổn, bất định như giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, giữa những bất định đó cũng có thể có những cơ hội phát triển chưa từng có.
Quang cảnh Hội thảo. |
“Ít có khi nào mà kinh tế thế giới thuận lợi và thách thức đan xen nhau một cách kỳ dị như hiện nay. Nhưng cũng có thể thấy xuất hiện những cơ hội tăng trưởng rất mới, chưa có trước đây cần tận dụng cho được”, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định.
Vị chuyên gia này phân tích hiện có 3 vấn đề đặt ra với kinh tế Việt Nam. Thứ nhất là cách ứng xử với kinh tế thế giới, trong đó đáng chú ý là tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế cũng như đối ngoại. Thứ hai đó là giải quyết những vấn đề liên quan đến hệ thống tài chính tiền tệ sau khi vượt qua những “bài kiểm tra” của kinh tế năm 2022. Thứ ba là giải quyết những vấn đề liên quan đến nền kinh tế thực như đầu tư tư nhân đang giảm sút, tiêu dùng trong nước đang giảm sâu, tín dụng cho bất động sản còn diễn biến phức tạp.
Cùng chung điểm nhìn với TS Võ Trí Thành, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần nhìn thẳng vào những thực chất của kinh tế Việt Nam. Phân tích sâu hơn, vị chuyên gia này thẳng thắn nói, chúng ta vẫn thường nói kinh tế Việt Nam nhưng là kinh tế Việt Nam nào, của các doanh nghiệp FDI hay của doanh nghiệp Việt. Bởi như TS Trần Đình Thiên nhìn nhận, kinh tế Việt Nam hiện có thể coi như nền kinh tế mà ông gọi là kinh tế “nhị nguyên” mà ở đó dường như doanh nghiệp Việt vẫn bị thờ ơ.
Về mặt tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang có một nghịch lý thành công với việc GDP tăng trưởng cao nhưng lạm phát thấp, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng thị trường, doanh nghiệp, ngân hàng vẫn đối diện nhiều rủi ro. Điểm đặc biệt ở đây là hiện tượng tiền không thể chuyển thành vốn khả dụng để đóng góp cho tăng trưởng.
Bởi vậy theo vị chuyên gia này, liên quan đến những nỗ lực tháo gỡ và động thái chính sách, TS Trần Đình Thiên cho rằng cần nhận thức một cách thực chất hơn mối quan hệ giữa tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam. Cùng đó cần nỗ lực khai thông nền kinh tế trên ba tuyến: Hạ tầng giao thông, các kênh dẫn vốn, các cơ chế và thủ tục.
Phân tích thêm về nguyên nhân kinh tế Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi những “cơn gió ngược” của kinh tế thế giới, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS Lê Xuân Sang cho rằng, đó là nhờ vào các yếu tố như Việt Nam có tỷ giá đồng tiền tương đối ổn định nhờ thanh khoản dồi dào, chính sách trợ giá về xăng dầu, điện, giảm thuế cùng lợi thế so sánh của nông nghiệp. Tuy nhiên cũng như các ý kiến trước đó, TS Lê Xuân Sang nhìn nhận, thách thức đến từ sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, lĩnh vực bất động sản, thị trường tài chính như đã diễn ra trong năm 2023 có thể vẫn tiềm ẩn những rủi ro của nền kinh tế.
Theo chuyên gia TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam, để tận dụng được những cơ hội tăng trưởng mới, đã đến lúc cần xây dựng chương trình tổng thể về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2024 - 2025. Cùng đó, cần quan tâm đúng mức đến củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, giữ dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, vận dụng linh hoạt các chính sách theo các kịch bản để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới.
Trên cơ sở các ý kiến trao đổi, thảo luận và đóng góp tại Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp, chắt lọc các ý kiến đóng góp để có báo cáo kiến nghị chính sách kinh tế vĩ mô gửi đến Chính phủ và bộ, ngành trung ương, các cơ quan liên quan.