Kinh tế 5 tháng đầu năm: Xu thế tăng trưởng ngày càng vững chắc
Khi những số liệu tăng trưởng đã lộ diện dần cũng là lúc có thêm những cứ liệu quan trọng để các nhà quản lý, các doanh nghiệp có các cơ sở rõ ràng để nhìn nhận, đánh giá.
Tháng 5 và 5 tháng đầu của năm tăng trưởng 2024 cũng mang rõ dấu ấn của thông lệ đó với việc tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng ngày càng duy trì xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tuy có tăng song vẫn trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Xu thế tăng trưởng kinh tế ngày càng vững chắc |
Những điểm nhìn lạc quan của tăng trưởng kinh tế đến từ việc kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong cùng thời gian ước tính tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 5 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Hoạt động dịch vụ trong 5 tháng cũng diễn ra sôi động và tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, cán cân thương mại 5 tháng có mức thặng dư 8,01 tỷ USD tuy thấp hơn nhiều so với các tháng trước nhưng lại là tín hiệu đáng chú ý khi có thể là chỉ dấu báo hiệu việc sản xuất của doanh nghiệp đã phục hồi trở lại để có thể tăng trưởng mạnh hơn trong những tháng còn lại của năm 2024. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi tích cực đã tạo lực đẩy cho xuất khẩu và theo đánh giá, lực đẩy này có thể còn mạnh hơn trong các tháng tới.
Một số yếu tố tích cực khác của 5 tháng đầu năm được các chuyên gia ghi nhận là áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt và đặc biệt, kết quả kinh doanh của một số ngành cho thấy câu chuyện tăng trưởng khá khả quan. Thị trường đang có cơ hội để quay trở lại xu hướng tăng trưởng.
Thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực, quyết liệt triển khai các giải pháp trong Nghị quyết số 01 về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 cũng như Nghị quyết số 65 tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2024. Chính vì vậy, bức tranh kinh tế - xã hội của nước ta trong 5 tháng đầu năm tiếp tục xuất hiện nhiều điểm sáng mang tính cơ bản, vững chắc.
Theo các chuyên gia, động lực xuất khẩu đến cả từ khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI, các thị trường chủ lực đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đều phục hồi tốt, phản ánh xuất khẩu hàng hoá sẽ đóng vai trò tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Trong bối cảnh các nền kinh tế hàng đầu thế giới, là đối tác thương mại lớn, quan trọng của nước ta đã kiểm soát được lạm phát gần mức mục tiêu; tiền lương tăng dẫn tới thu nhập của người lao động tăng là động lực tăng chi tiêu của các hộ gia đình; tồn kho hàng hoá giảm mạnh, là động lực quan trọng gia tăng nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong thời gian tới.
Cần đặc biệt quan tâm việc tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, nhất là trong 3 lĩnh vực: Thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, AI…
Các bộ, ngành cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chính sách, bảo đảm hài hòa, xử lý các tình huống trong ngắn hạn và phát triển trong trung, dài hạn, đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước; chuẩn bị các điều kiện tốt để thu hút các làn sóng chuyển dịch FDI.