Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc vượt 100 tỷ USD
Cụ thể, 8 tháng qua, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 35,79 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 68,13 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.
Với các thị trường lớn khác, trong 8 tháng đầu năm Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng năm 2023 với kim ngạch ước đạt 62,27 tỷ USD, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như: thị trường EU ước đạt 29,4 tỷ USD, giảm 8,3%; ASEAN ước đạt 21,79 tỷ USD, giảm 8%; Hàn Quốc giảm 7,3%, ước đạt 15,5 tỷ USD; Nhật Bản ước đạt 15,23 tỷ USD, giảm 3,9%.
Điểm sáng về thị trường là xuất khẩu sang các nước Tây Á tăng 1,2%, ước đạt 5,19 tỷ USD và thị trường châu Phi tăng 1,1%, đặc biệt là thị trường Bắc Phi tăng tới 11,8%... cho thấy những nỗ lực trong việc đa dạng hóa thị trường, tập trung khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam.
Về thị trường nhập khẩu của Việt Nam, xếp sau Trung Quốc là Hàn Quốc ước đạt 32,8 tỷ USD, giảm 24,6%; thị trường ASEAN đạt 26,96 tỷ USD, giảm 15,9%; Nhật Bản đạt 13,7 tỷ USD, giảm 14,1%; thị trường EU đạt 9,78 tỷ USD, giảm 5,4%; Hoa Kỳ đạt 9,27 tỷ USD, giảm 6,6%.
Liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc với Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh thông tin cuối tháng 7, Hải quan Trung Quốc phê duyệt cho 129 mã số vùng trồng và 38 cơ sở đóng gói sầu riêng và một số mã số ngành hàng thủy sản cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong tháng 8, Hải quan Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra thực địa (theo hình thức trực tuyến) để đánh giá rủi ro đối với trái dừa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.