Kim loại quý đỏ lửa khi nhà đầu tư bớt lạc quan về triển vọng lãi suất
Lực mua kim loại có thể suy yếu khi nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu mới Kim loại quý diễn biến trái chiều sau dữ liệu GDP Mỹ Giá kim loại quý có thể gặp áp lực trước dữ liệu NFP của Mỹ |
Đối với kim loại quý, giá bạc dẫn dắt đà giảm của nhóm khi để mất 9,98%, neo tại mức 23,27 USD/ounce. Đây cũng là tuần giảm mạnh nhất của giá bạc kể từ tháng 10/2022. Giá bạch kim giảm hai tuần liên tiếp, đóng cửa tuần tại 919,8 USD/ounce sau khi giảm 1,74%.
Tuần trước, dòng tiền rời khỏi thị trường kim loại quý khi các nhà đầu tư giảm bớt đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nới lỏng chính sách vào tháng 3/2024. Theo khảo sát của Reuters công bố tuần trước, các nhà kinh tế cho rằng FED sẽ không hạ lãi suất ít nhất là cho tới tháng 7/2024.
Đáng chú ý, giá bạc đã trải qua phiên lao dốc mạnh sau khi báo cáo việc làm của Mỹ được công bố vào cuối tuần. Cụ thể, Bảng lương phi nông nghiệp (NFP) của Mỹ cho thấy Mỹ có thêm 199.000 việc làm ngoài ngành nông nghiệp trong tháng 11, cao hơn 19.000 so với dự báo và mức 150.000 trong tháng 10. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 11 bất giảm xuống còn 3,7% từ mức 3,9% của tháng 10.
Số liệu này cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn mạnh mẽ, đồng thời ngụ ý rằng nền kinh tế Mỹ chưa thể rơi vào suy thoái và FED khó có thể hạ lãi suất ngay trong tháng 3. Do đó, đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ đã tăng mạnh ngay sau khi dữ liệu được công bố, gây sức ép lên giá bạc.
Tuy vậy, giá bạch kim ghi nhận mức giảm yếu hơn hẳn so với giá bạc, do giá bạch kim được hỗ trợ bởi rủi ro nguồn cung thu hẹp. Anglo American Platinum, nhà sản xuất bạch kim lớn nhất thế giới, cho biết họ có thể phải cắt giảm sản lượng bạch kim trong năm tới.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 2,57% về 3,83 USD/pound, chấm dứt chuỗi tăng ba tuần liên tiếp. Sau đợt tăng giá chủ yếu được hỗ trợ bởi rủi ro nguồn cung, giá đồng quay đầu giảm khi rủi ro này dần được xoa dịu và tín hiệu tiêu cực từ nền kinh tế Trung Quốc.
Trong tuần trước, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s đã hạ triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, do rủi ro nợ gia tăng. Điều này khiến tâm lý các nhà đầu tư trở nên bi quan hơn về triển vọng kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là khi nền kinh tế nước này vẫn chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi bền vững. Dữ liệu công bố cuối tuần cho thấy nước này tiếp tục rơi vào tình trạng giảm phát trong tháng 11, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm lần lượt 0,5% và 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, giá quặng sắt tăng 3,32% lên 135,52 USD/tấn. Giá quặng sắt đang phục hồi trở lại khi các nhà chức trách tại Trung Quốc không còn tăng cường giám sát trên thị trường nhằm hạn chế đà tăng giá.
Bên cạnh đó, giá quặng sắt được hỗ trợ bởi tiêu thụ tích cực tại Trung Quốc. Theo dữ liệu hải quan, Trung Quốc đã nhập khẩu 102,74 triệu tấn quặng sắt trong tháng 11, tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 3,94% so với cùng kỳ năm ngoái.