Giá kim loại quý có thể gặp áp lực trước dữ liệu NFP của Mỹ
Giá kim loại quý được hưởng lợi do đồng USD suy yếu Kim loại quý diễn biến trái chiều sau dữ liệu GDP Mỹ Giá kim loại lao dốc do đồng USD tăng mạnh |
Giá bạc và giá bạch kim nhận được lực mua tích cực trong phiên sáng do đồng USD suy yếu làm giảm chi phí nắm giữ so với các đồng tiền thương mại khác.
Việc các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ám chỉ có thể kết thúc chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo đã đẩy đồng yên tăng vọt và gây áp lực lên chỉ số Dollar Index, thước đo giá trị đồng USD.
Tuy nhiên, tâm điểm của thị trường hôm nay là báo cáo bảng lương phi nông nghiệp (NFP) tháng 11 của Mỹ. Trong bối cảnh liên đoàn United Auto Workers (UAW) đã kết thúc cuộc đình công, việc hàng nghìn công nhân quay trở lại làm việc trong tháng 11 có thể tăng biên chế ngành sản xuất. Tăng trưởng việc làm cũng có thể được thúc đẩy khi 16.000 thành viên của liên đoàn diễn viên SAG-AFTRA quay trở lại làm việc.
Giới phân tích dự đoán rằng NFP tháng 11 của Mỹ có thể tăng 180.000 việc làm, cao hơn so với mức 150.000 trong tháng 10. Đáng chú ý, tăng trưởng tiền lương dự kiến đạt 0,3%, tăng nhẹ so với mức 0,2% trong tháng trước, có thể là do các cuộc đình công yêu cầu tăng lương của công nhân. Thị trường lao động duy trì ổn định, trong khi áp lực tiền lương tăng có thể sẽ đẩy lùi kỳ vọng của thị trường về thời điểm FED bắt đầu cắt giảm lãi suất. Điều này có thể hỗ trợ đồng USD phục hồi, từ đó gây áp lực lên giá bạc và bạch kim. Trong trường hợp dữ liệu thực tế không chênh lệch nhiều so với dự báo, thị trường có thể không phản ứng quá mạnh mẽ.
Trên thị trường đồng, với nhu cầu nhập khẩu tăng trưởng tích cực của Trung Quốc, giá đồng tiếp tục tăng trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, giá khó có thể tăng mạnh do thị trường sẽ thận trọng hơn trước khi Trung Quốc công bố số liệu lạm phát quan trọng vào ngày mai.
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng giảm phát trong tháng 11, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) dự kiến giảm lần lượt 0,1% và 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Với việc niềm tin người tiêu dùng và sức cầu trong nền kinh tế vẫn còn yếu, nhiều khả năng điều này có thể xảy ra. Do vậy, trước khi có số liệu chính thức xác nhận, tâm lý bi quan trên thị trường có thể cản trở đà tăng của giá đồng trong phiên.
Về mặt kỹ thuật giá bạc, khung 4H, đà giảm của giá có dấu hiệu chững lại do lực cầu bắt đáy gia tăng mạnh mẽ khi giá tiệm cận hỗ trợ Fibo 0,618. RSI phân kỳ dương. Dự báo bạc có thể duy trì đà phục hồi lên 24,4 - 24,5 USD, sau khi backtest thành công Fibo 0,618 tại 23,8 - 23,9 USD.
Về mặt kỹ thuật giá bạch kim, khung 4H, RSI phân kỳ dương, xác nhận tín hiệu đảo chiều tăng ngắn hạn. Tuy nhiên, hai đường %D và %K thu hẹp tại vùng quá mua cho thấy tương quan cân bằng giữa lực mua và lựa bán. Trong khi đó, RSI khung 1H phân kỳ âm. Dự báo bạch kim có thể hạ nhiệt về 905 - 910 USD, trước khi tiếp tục xu hướng tăng lên 925 - 930 USD.
Về mặt kĩ thuật giá đồng, khung 4H, sau đà tăng mạnh của phiên trước, loạt nến spinning top hình thành xác nhận sự cân bằng giữa hai phe mua bán. Tuy nhiên giá đang giảm mạnh cho thấy lực bán đang dần chiếm ưu thế, dự báo giá sẽ tiếp tục giảm về 3,78 USD. Nếu dữ liệu bảng lương yếu hơn dự kiến, nhà đầu tư có thể canh mua tại mức này, kỳ vọng chốt lời tại 3,80 USD.