Khởi động mùa đại hội cổ đông: Vẫn không chia cổ tức bằng tiền mặt
Ảnh minh họa
Doanh thu cao, lợi nhuận khá
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) là hai nhà băng tổ chức đại hội cổ đông sớm nhất, diễn ra vào cuối tháng 3/2016. Một số ngân hàng khác như Nam Á, Á Châu (ACB) đã tổ chức đại hội cổ đông trong nửa đầu tháng 4, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) cũng đã chốt ngày tổ chức đại hội cổ đông vào 22/4 này.
Nhìn chung, báo cáo tài chính năm 2015 của các ngân hàng đều có mức tăng trưởng khá, một số ngân hàng đạt mức tăng cao. Đơn cử như tại LietVietPostBank, ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc cho biết, năm 2015, tổng tài sản của ngân hàng đạt 107.587 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2014. Cơ cấu nguồn vốn tăng tỷ trọng khách hàng bán lẻ từ 35% năm 2014 lên 43% năm 2015. Huy động từ dân cư tăng ổn định. Tổng dư nợ tín dụng tăng 34% so với năm 2014, tỷ trọng dư nợ bán lẻ tăng lên 32,3% năm 2015 so với mức 21,7% năm 2014.
Ngân hàng TMCP Nam Á cũng công bố báo cáo tài chính năm 2015 với con số 252 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng nhẹ so với 242 tỷ đồng của năm 2014. Tổng tài sản của ngân hàng đạt 35.469 tỷ đồng, giảm 4,9% so với năm trước. Cho vay khách hàng đạt 20.866 tỷ đồng, tăng trưởng 31%. Tiền gửi của khách hàng đạt 24.368 tỷ đồng, tăng 19%. Thu nhập lãi thuần năm 2015 đạt 979,7 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Đối với ACB, lợi nhuận trước thuế năm 2015 đạt 1.314 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2014, hoàn thành kế hoạch đề ra. Thu nhập thuần từ lãi tăng 23,5% so với năm 2014.
VPBank có con số kinh doanh ấn tượng hơn hẳn. Tổng tài sản năm 2015 của ngân hàng này đạt 193.876 tỷ đồng, tăng trưởng 18,8% so với cuối năm 2014. Tiền gửi của khách hàng đạt 130.271 tỷ đồng, tăng ròng gần 22.000 tỷ đồng (tương đương tăng 20%) so với năm 2014. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2015 đạt 3.096 tỷ đồng, tăng 92%, đạt 124% kế hoạch đề ra. Tổng thu hoạt động thuần đạt 12.066 tỷ đồng, tăng trưởng 92%....
Cổ tức vẫn chia “nhỏ giọt”
Điều làm các cổ đông không mấy vui là không nhận được cổ tức bằng tiền mặt, bởi các ngân hàng vẫn kiên trì hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu. Đây cũng là cách để các ngân hàng tăng vốn điều lệ. Cụ thể, tại ACB, với lợi nhuận sau thuế đạt 1.028 tỷ đồng, ngân hàng này đề nghị chia cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 10%. Để thực hiện, Hội đồng quản trị ACB dự kiến phát hành thêm 89.627.390 cổ phần trả cổ tức. Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng từ 9.377 tỷ đồng lên 10.273 tỷ đồng. VPBank cũng thực hiện phương án phân phối lợi nhuận và chia cổ tức 2015 theo hướng tỷ lệ cổ tức đối với cổ phần ưu đãi là 20% trên tổng mệnh giá cổ phần ưu đãi. Tổng số tiền cổ tức ưu đãi chi trả là 146.439.200.000 đồng, chiếm tỷ lệ 8,86% trên tổng số nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của ngân hàng. LienVietPostBank thì công bố trả cổ tức 4,5%.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, hầu hết các ngân hàng đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay nên việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là điều dễ hiểu. “Chuyển lợi nhuận lẽ ra phải chia cho cổ đông sang tăng vốn là cách thức các ngân hàng thương mại đã làm nhiều năm qua. Điều này giúp vốn điều lệ và tổng tài sản của các ngân hàng ngày một “phình to”, nhưng giá trị thực cổ phiếu bị pha loãng và cổ đông lại không được hưởng “tiền tươi” từ lợi nhuận nên chẳng mấy ai mặn mà”, vị chuyên gia này nói. Ở một góc nhìn khác về việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kimeng cho rằng: Mục tiêu tăng vốn cơ bản phải phù hợp, hài hòa lợi ích của tổ chức và cổ đông. Đặc biệt, nếu ngân hàng có kế hoạch sử dụng vốn tăng để đầu tư một cách rõ ràng, tăng một đồng vốn sẽ đưa lại bao nhiêu lợi nhuận, thì sẽ thuyết phục và hợp lý với nguyện vọng đầu tư của cổ đông hơn.
Năm 2016, mục tiêu tăng trưởng của nhiều ngân hàng đã được đặt ra khá cao, tuy nhiên quản trị rủi ro vẫn là định hướng chính được các ngân hàng thực hiện. Theo đó, LienVietPostbank đặt kế hoạch tổng tài sản ở mức 130.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2015 là 107.587 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế ở mức 915 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2015 là 422 tỷ đồng; tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến ở mức 8%; tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%. Ngân hàng ACB trình kế hoạch lợi nhuận hợp nhất trước thuế 1.503 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2015; tăng trưởng tín dụng tối đa 18%; cổ tức kế hoạch bằng cổ phiếu 10%.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, năm 2016, kế hoạch của ngân hàng đạt tổng tài sản dự kiến 246.223 tỷ đồng; huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá 188.326 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng 171.017 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; lợi nhuận trước thuế 3.200 tỷ đồng. “Mức tăng trưởng năm 2016 hợp lý giúp ngân hàng thận trọng hơn trong lựa chọn khách hàng và tăng cường số dư dự phòng rủi ro, để đảm bảo ngân hàng có thể đối phó mọi tình huống khủng hoảng trên thị trường tài chính”, ông Vinh khẳng định.
Duy Minh