Khoa học vẫn giữ vai trò quan trọng trong tương lai của ngành dầu khí
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành dầu khí PVN: Văn hóa ngày càng thấm sâu, là động lực phát triển doanh nghiệp |
TS Ngô Thường San nhận định, sự thành công và hiệu quả của ngành dầu khí sẽ phụ thuộc vào mức tiệm cận sâu rộng với các thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 trong giải pháp công nghệ, tổ chức và quản lý sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm, vật liệu mới có giá trị gia tăng cao đáp ứng được sự cạnh tranh của thị trường mở.
Hiện nay với sự phát triển của cách mạng 4.0 và xu hướng sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn, đòi hỏi sự cạnh tranh về năng lực trí tuệ, sức sáng tạo, thì bài toán hiệu quả đặt ra những thách thức lớn với ngành Dầu khí. Theo TS Ngô Thường San, để giải quyết bài toán này, đòi hỏi nguồn lực khoa học công nghệ (KHCN) rất lớn. Phải tăng cường đầu tư về KHCN để tạo sự bứt phá, những cú hích mới.
Cụ thể như: ứng dụng KHCN trong tổ chức và quản lý sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả; phát triển sản phẩm, tạo ra những sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao; ứng dụng công nghệ khai thác hiệu quả các vỉa/ mỏ khí nhiều CO2, tận sử dụng khí thải giàu CO2 để sản xuất (dầu diesel, nano carbon); ưu tiên phát triển các dạng năng lương tái tạo tiềm năng mà ngành dầu khí có ưu thế dựa trên năng lực của mình như năng lượng gió ngoài khơi và năng lượng Hydro, trong đó nghiên cứu tận dụng những giàn khoan ở những mỏ đã khai thác cạn kiệt để biến thành những cơ sở sản xuất sản phẩm khi phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi trong tương lai, như sản xuất đạm xanh – green amonia, diện, hydro, các vật liệu từ nano carbon,…
Phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi là một trong những hướng đi mới của ngành Dầu khí |
Đồng thời, với hiện trạng nhiều mỏ dầu của nước ta khai thác đã lâu, đang ở giai đoạn cuối đời mỏ, sản lượng suy giảm mạnh dẫn đến chi phí khai thác và giá thành cao, thì bắt buộc phải đầu tư khoa học để khai thác hiệu quả, thay vì cách khai thác truyền thống, cần có những cách làm mới để “vét”, tận khai thác. Nghĩa là cần phải xây dựng hệ phương pháp luận để đưa ra các giải pháp pháp tối ưu nhất để thu gom ở những mỏ như thế.
Và với tiềm năng tài nguyên còn lại của nước ta được đánh giá phần lớn là những mỏ nhỏ, cận biên, cần phải có những giải pháp công nghệ để tối ưu khai thác các mỏ nhỏ và phi truyền thống; triển khai thăm dò khai thác ra các vùng biển sâu, xa bờ của thềm lục địa với công nghệ hiện đại; tìm ra những cái mỏ mới, tầng khai thác mới.
“Trữ lượng dầu khí của chúng ta xác định còn lại khoảng 700 triệu tấn ở các vùng bể truyền thống, thì nó nằm ở đâu, phải có phương pháp luận để đưa được những tiềm năng dầu khí đó lên, phục vụ cho phát triển đất nước. Tất cả những vấn đề này không thể đi theo phương thức truyền thống, cổ điển trước đây, mà phải chuyển qua phương pháp phi cổ điển, phi truyền thống”. TS Ngô Thường San nói.
Đặc biệt, để các giải pháp KHCN mang tính tập trung, đi đúng hướng, gắn với thực tiễn sản xuất nhằm giải quyết được những vấn đề khó khăn, thách thức đang đặt ra, cũng như phục vụ để triển khai thành công chiến lược mới của ngành thì TS Ngô Thường San cho rằng, lãnh đạo ngành cần có định hướng, có những đề xuất, đặt hàng cụ thể cho nghiên cứu và hỗ trợ để nghiên cứu cho ra được sản phẩm cuối cùng; gắn chặt mối quan hệ giữa nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm sao khoa học gắn liền với sản xuất và sản xuất hỗ trợ cho khoa học.
Cần có những chính sách đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ các nhà khoa học |
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông cũng chia sẻ những ưu tư về hiện trạng nhiều trung tâm, viện nghiên cứu lâm vào cảnh khó khăn, không đủ kinh phí để hoạt động, các nhà khoa học không thể bám trụ được với công việc nghiên cứu,… khi yêu cầu tự chủ kinh tế đặt ra, trong bối cảnh vẫn còn rất nhiều ràng buộc về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phân phối lợi nhuận, khung pháp lý,… khiến hoạt động nghiên cứu khoa học rất khó để phát triển theo cơ chế thị trường đúng nghĩa.
Và điều này dẫn đến một thực trạng đáng buồn là nhiều trung tâm, nhà khoa học phải “đẻ ra đề tài để sống trên đề tài đó”, nhiều đề tài chỉ xào xáo lại, đổi tên bởi mục đích kiếm tiền; đề tài nghiên cứu xong chẳng sử dụng gì cả!
Để các nhà nghiên cứu có thể yên tâm công tác, theo ông, cần có những chính sách đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ làm KHCN, như cho họ được hưởng mức lương/chế độ tương tự như những cấp bậc quản lý ở doanh nghiệp và khi các đề tài nghiên cứu mang lại lợi nhuận, giá trị cao cần có cơ chế khen thưởng, phân phối lợi nhuận đủ để kích thích, tạo động lực cho những nhà nghiên cứu phát huy sức sáng tạo, năng lực trí tuệ để từ đó thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học, cho ra những sản phẩm có hàm lượng KHCN cao, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp, của đất nước.
Cùng với đó, TS Ngô Thường San cho rằng, trong hoạt động nghiên cứu khoa học, rất cần có sự liên kết giữa Chính phủ, người có nguyên liệu, người nghiên cứu khoa học, người sử dụng, người đầu tư vốn cho nghiên cứu,… Phải vẽ một sơ đồ của những mối liên kết như thế và hình thành chuỗi liên kết hiệu quả. Trong đó, đặc biệt cần có cơ chế phân phối lợi nhuận sau nghiên cứu như thế nào để đủ kích thích, thúc đẩy sự kết hợp hiệu quả của các mắt xích trong nghiên cứu nhằm tích hợp các nguồn lực đầu tư vào nghiên cứu phát triển KHCN, tạo động lực cho sự phát triển.
Đúc kết lại, TS Ngô Thường San khẳng định, lịch sử phát triển ngành Dầu khí Viêt Nam đã chứng minh động lực phát triển và kết quả mang lại của nền công nghiệp Dầu khí được dựa trên hiệu quả tiếp thu và ứng dụng sáng tạo những giải pháp và thành quả KHCN tiên tiến thế giới, để lại những dấu ấn quan trọng làm tăng uy tín của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế. Không có KHCN thì không thể có những thành công của ngành Dầu khí ngày nay. Và đầu tư cho KHCN cũng sẽ tiếp tục là giải pháp đúng đắn, đột phá để duy trì và phát triển bền vững ngành Dầu khí trong tương lai.