Khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh từ chối tiếp công dân là Phó giám đốc Sở
Công dân bị người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh từ chối tiếp này là ông Phan Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, ông Hiếu có đơn gặp ông Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi không phải với tư cách báo cáo cấp trên mà với tư cách một công dân.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, các nội dung mà vị Phó Giám đốc Sở muốn gặp liên quan đến công tác quản lý nhà nước về khoa học công nghệ từ năm 2017 – 2023.
Ảnh minh hoạ. (nguồn: thuvienphapluat.vn) |
Do đó, việc Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi từ chối tiếp công dân là ông Phan Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ là để “xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật cán bộ, công chức liên quan đến thực hiện nhiệm vụ công vụ và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu”.
Nói nôm na, nơi ông Phó Giám đốc Sở gặp lãnh đạo cấp trên của mình phải ở các phòng họp chức năng hoặc của Sở hoặc của Ủy ban tỉnh, chứ không phải nơi tiếp công dân.
Xung quanh sự việc khá hy hữu này, nhiều người cho rằng, ông Phó Giám đốc có quyền báo cáo trực tiếp cấp trên của mình mà ở đây là ông Chủ tịch tỉnh song việc phải chọn kênh tiếp công dân để báo cáo hẳn là phải có những “uẩn khúc” gì đó hoặc là giải pháp ở “phao số 0” liên quan đến các nội dung báo cáo. Còn về phía ông Chủ tịch tỉnh, việc từ chối tiếp công dân với lý do công dân này là cán bộ dưới quyền phụ trách một lĩnh vực do vậy cần phải xem xét dưới trách nhiệm người đứng đầu xem ra cũng chưa thật thỏa đáng. Bởi cán bộ dưới quyền không chỉ là một người phụ trách một ngành mà dưới khía cạnh xã hội, ông còn là một công dân và theo các quy định hiện hành về tiếp công dân của cơ quan nhà nước, không thấy có quy định nào cấm tiếp công dân là cán bộ dưới quyền của lãnh đạo cơ quan nhà nước, cũng như cơ quan hành chính.
Ở một góc độ khác, liên quan đến hoạt động tiếp công dân, có một con số cho biết chỉ có khoảng 45% lãnh đạo các cơ quan hành chính, các bộ là duy trì hoạt động này một cách thường xuyên. Nghĩa là có đến 55% số còn lại ở vào tình trạng “lười” tiếp công dân. Điều này khiến các cơ quan có thẩm quyền tính chuyện công khai những cơ quan này với hy vọng tạo chuyển biến cho hoạt động tiếp công dân.
Hoạt động tiếp công dân theo quy định của Luật tiếp công dân 2013 (Luật số 42/2013/QH13) là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quy định Luật này đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.
Bởi vậy, tiếp công dân là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức được luật định. Không chỉ là việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, phản ánh mang tính cá nhân, nhóm cá nhân mà thông qua hoạt động này có thể cung cấp những gợi ý, những giải pháp góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý. Đồng thời còn có tác dụng như một chiếc chìa khoá mở cánh cửa đồng thuận.