Khánh Hòa và Đồng bằng sông Cửu Long bắc nhịp cầu kết nối du lịch
Khánh Hòa với tầm nhìn trở thành điểm đến du lịch 24/7 Khánh Hòa đứng thứ 4 cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP |
Chiều 8/12, tại hội nghị Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Khánh Hòa và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long được tổ chức ở thành phố Cần Thơ, diễn ra Lễ trao Biên bản ký kết Hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa và Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2023 – 2025.
Trao Biên bản ký kết Hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa và Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thảo Phát |
Hội nghị này do Sở VHTT-DL TP. Cần Thơ cùng Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa phối hợp tổ chức , với sự tham dự của gần 150 đại biểu đại diện cho các sở Du lịch, Sở VHTT-DL, Hiệp hội Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Du lịch và các doanh nghiệp du lịch của tỉnh Khánh Hòa và 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa - tin tưởng, ngành du lịch Khánh Hòa và vùng ĐBSCL sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch kết nối, hợp tác lâu dài, góp phần đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp nói riêng cũng như sự phát triển bền vững của ngành du lịch các địa phương và du lịch Việt Nam nói chung.
Tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đều sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh, những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo và đa dạng, các lễ hội sự kiện đặc sắc, con người thân thiện, có được những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của từng vùng, từng địa phương bổ trợ cho nhau để liên kết phát triển du lịch.
Trong những năm qua, tận dụng những lợi thế, tiềm năng đó, các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch cũng như cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đã bước đầu quan tâm hợp tác liên kết, xây dựng một số sản phẩm, chương trình tour du lịch và tăng cường trao đổi khách.
Các đại biểu tìm hiểu sản phẩm du lịch của các địa phương. Ảnh: Thảo Phát |
Năm 2022, tổng lượng khách đến Đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 44 triệu lượt, tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, khách lưu trú đạt gần 12 triệu lượt, tăng 138,9%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định vùng ĐBSCL dù có nhiều tiềm năng nhưng việc phát triển du lịch chưa tương xứng do hạ tầng giao thông chưa thuận tiện, sản phẩm du lịch chưa đặc sắc,...
Tại hội nghị này, lãnh đạo ngành du lịch các địa phương đã đề xuất một số giải pháp kết nối Khánh Hòa với vùng ĐBSCL. Trong đó, quan trọng nhất là khôi phục đường bay thẳng Nha Trang – Cần Thơ.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đề nghị các hãng hàng không quan tâm, nghiên cứu khôi phục đường bay Nha Trang – Cần Thơ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương và du lịch. Đồng thời có chính sách giá vé cho khách đoàn, khách lẻ khi tham gia các chương trình du lịch kết nối giữa tỉnh Khánh Hòa và vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, phối hợp, hỗ trợ triển khai các công tác xúc tiến quảng bá du lịch chung của tỉnh Khánh Hòa và vùng ĐBSCL nhằm kích cầu thu hút khách du lịch.
Mua bán nông sản tại Chợ nổi Cái Răng, TP. Cần Thơ. Ảnh: VOV |
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh cũng đề nghị Hiệp hội du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp du lịch có liên quan cần chủ động triển khai có hiệu quả biên bản ký kết hợp tác. Trong đó có chính sách, khuyến mãi hấp dẫn, thu hút người dân các tỉnh, thành phố đến Khánh Hòa tham quan nghỉ dưỡng và ngược lại, từ đó có kết nối hỗ trợ chia sẻ lượng khách du lịch cho nhau.
Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng lượt khách lưu trú tại Khánh Hòa ước đạt 6,55 triệu lượt, trong đó, khách nội địa ước đạt 4,68 triệu lượt khách. Doanh thu du lịch ước đạt hơn 30.200 tỷ đồng.
Đồng bằng sông Cửu Long gồm địa phận 13 tỉnh thành là: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Thời gian qua, các tỉnh, thành ĐBSCL đã tập trung đẩy mạnh kết nối giao thông, thương mại, văn hóa, đặc biệt là du lịch để thúc đẩy phát triển du lịch cả vùng phát triển bền vững… |