Khai thác thị trường tiềm năng gia tăng dư địa xuất khẩu cà phê
Xuất khẩu cà phê bật tăng trong tháng 2 Xuất khẩu cà phê Việt hồi phục mạnh trong tháng 2/2023 |
Kết quả hai tháng đầu năm 2023 cho thấy, xuất khẩu cà phê có nhiều khả quan, đặc biệt ở một số thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng 2 đến 3 con số.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2023,xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt trên 200 nghìn tấn, trị giá 434,9 triệu USD, tăng 40,3% về lượng và tăng 40,1% về trị giá so với tháng 1/2023, so với tháng 2/2022 tăng 43,5% về lượng và tăng 35,3% về trị giá. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 342,3 nghìn tấn, trị giá 745,28 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và giảm 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Các sản phẩm cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: ST |
Tháng 2/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.174 USD/tấn, giảm 0,2% so với tháng 1/2023 và giảm 5,7% so với tháng 2/2022. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.177 USD/tấn, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống tăng, ngoại trừ Bỉ, Nhật Bản. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang một số thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng từ 2 đến 3 con số, gồm: Algeria, Hà Lan, Mexico, Nga, Italy... Trong đó ở một số thị trường nhập khẩu, thị phần cà phê Việt Nam chiếm tỉ lệ lớn. Chẳng hạn tại thị trường Tây Ban Nha, theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu, năm 2022 nước này nhập khẩu cà phê từ thị trường thế giới đạt hơn 376 nghìn tấn, trị giá 1,46 tỷ USD, tăng 11% về lượng và tăng 47,5% về trị giá so với năm 2021.
Năm 2022, nguồn cung cà phê cho Tây Ban Nha chủ yếu từ các thị trường ngoại khối, lượng đạt hơn 275 nghìn tấn, trị giá hơn 973 triệu USD, tăng 11,5% về lượng và tăng 77,8% về trị giá so với năm 2021. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Tây Ban Nha trong năm 2022, đạt hơn 113 nghìn tấn, trị giá 287 triệu USD, tăng 21,6% về lượng và tăng 78,9% về trị giá so với năm 2021. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Tây Ban Nha từ thế giới tăng từ 27,53% trong năm 2021 lên 30,16% trong năm 2022.
Cà phê cũng là mặt hàng có nhiều tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc. Theo ông Phạm Khắc Tuyên đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, thị trường Hàn Quốc được đánh giá là thị trường lớn thứ 2 thế giới. Người Hàn Quốc trung bình sử dụng 2 cốc cà phê/ngày, quy mô thị trường đạt 6,5 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm cà phê xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc đa phần là cà phê nguyên liệu, sản phẩm cà phê hòa tan, đóng lon, trong thi đó thị phần cà phê này chỉ khoảng 2,5 tỷ USD và có sự gia tăng không nhiều. Dòng sản phẩm cà phê uống trực tiếp tại các cửa hàng quy mô thị trường đạt khoảng 4 tỷ USD. Đây là thị trường cà phê Việt Nam có thể thẩm nhập và phát triển trong thời gian tới.
Để làm được điều đó, ông Phạm Khắc Tuyên cho rằng, cần hướng dẫn người tiêu dùng cách uống cà phê Việt Nam. Hiện nay việc mở các cửa hàng nhỏ theo chuỗi đang là xu hướng của các doanh nghiệp khởi nghiệp của Hàn Quốc. Do đó thông qua kênh kết nối với các doanh nghiệp khởi nghiệp là cơ hội để quảng bá văn hóa uống cà phê Việt Nam. Với việc mở rộng được thị trường xuất khẩu, thời gian tới kim ngạch xuất khẩu cà phê không chỉ dừng lại con số 92 triệu USD năm 2022 mà sẽ tăng lên nhanh chóng khi định hướng được người tiêu dùng của Hàn Quốc.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, nông sản là một trong những ngành hàng quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước và cà phê là một trong những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao trong nhóm hàng nông sản. Với vị thế là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, các sản phẩm cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, khối lượng xuất khẩu đạt gần 1,8 triệu tấn, giá trị kim ngạch trên 4 tỷ USD. Tuy vậy, thương mại quốc tế về cà phê vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của nước ta.
Tại hội thảo mới đây, ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (VICOFA) nhận định, ngành cà phê Việt Nam còn nhiều thách thức về cán cân cung cầu cà phê; sự thịnh vượng của người trồng cà phê; trách nhiệm giải trình; tiêu dùng nội địa; biến đổi khí hậu và các quy định mới của các nước nhập khẩu.
Tuy nhiên, đó cũng là những cơ hội cho ngành cà phê Việt khi quản lý kinh doanh ngày càng tốt hơn; các biện pháp thực hành sản xuất tốt được áp dụng rộng rãi; ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh cà phê. Về sản xuất, ngành cà phê Việt cần tăng cường áp dụng thực hành sản xuất tốt, bền vững; tăng cường liên kết chuỗi sản xuất giữa các doanh nghiệp và người nông dân; hỗ trợ các chương trình đào tạo, tập huấn đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường nhập khẩu. Về thương mại, cần tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các nước nhập khẩu; thúc đẩy quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao; tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại…