Khai thác thị trường Singapore qua kênh thương mại điện tử
Sắp diễn ra Ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất ASEAN 2023 Hướng tới thương mại điện tử xanh, phát triển bền vững |
Ngày 21/7, Thương vụ Việt Nam tại Singapore phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi tổ chức Hội nghị trực tuyến “Thương mại điện tử: Tiềm năng tiếp cận vào thị trường Singapore và các nước trong khu vực”.
Đây là chương trình hoạt động của Bộ Công Thương triển khai Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử đến quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời thực hiện hoạt động xúc tiến đẩy mạnh đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường Singapore và các nước trong khu vực, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp có liên quan đến thương mại điện tử, thúc đẩy liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp hai nước, liên kết thanh toán xuyên quốc gia, vận chuyển hàng hóa, logistics, hải quan,...
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng cho biết, trong những năm qua, quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore luôn phát triển tích cực. Đặc biệt, năm 2023 mang nhiều ý nghĩa với việc hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược. Singapore là đối tác thương mại lớn thứ năm của Việt Nam trong ASEAN. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt 9,1 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2021.
Xuất khẩu qua thương mại điện tử đang dần trở thành một xu hướng thương mại tiềm năng |
Đại sứ Mai Phước Dũng cho rằng, trong các hoạt động thương mại, không thể không nhắc đến vai trò của thương mại điện tử bởi đây là một xu hướng mới, đầy tiềm năng trong tương lai. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam xác định thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, với nhiều mục tiêu cụ thể và giải pháp thực hiện.
Ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho rằng, hợp tác trong lĩnh vực Công Thương giữa Việt Nam và Singapore phát triển tốt đẹp, không chỉ được làm sâu sắc thêm trong các lĩnh vực thương mại hàng hóa, công nghiệp, năng lượng truyền thống mà còn liên tục được mở rộng ra các lĩnh vực mới, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, trong số đó có kinh tế số và thương mại điện tử.
“Với vị trí là cửa ngõ thương mại ra thế giới, kinh doanh với các đối tác Singapore mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường khác. Hoạt động thương mại hàng hoá giữa Việt Nam và Singapore có nhiều thuận lợi như vị trí địa lý gần gũi, được hưởng ưu đãi từ nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)” - ông Trần Quang Huy nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, Singapore được coi là cửa ngõ quan trọng của châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt tới trên 1.365 tỷ SGD. Hiện nay, có đến 21 trong số 25 nhà cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu thế giới có trụ sở tại Singapore.
Với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, thương mại điện tử tại Singapore đang dần trở thành một xu hướng thương mại tiềm năng, không chỉ cho thị trường nội địa mà còn thực hiện thương mại xuyên biên giới. Hệ sinh thái thương mại điện tử tại Singapore đặc biệt phát triển, thu hút các doanh nghiệp kỹ thuật số lớn.
Bên cạnh các nền tảng đến từ những “người khổng lồ” như Amazon, e-bay và Apple, những trang thương mại điện tử khác đang hoạt động tại Singapore bao gồm: Taobao, Qoo10, Lazada, Zalora, Carousell, Redmart, Reebonz, HipVan và Alibaba cũng có doanh số lớn và có nhà cung cấp lẫn khách hàng khắp nơi trên thế giới.
Theo các chuyên gia, việc mua sắm là một hình thức giải trí được ưa thích ở Singapore và hình thức mua sắm trực tuyến (online) khá phổ biến với những người trẻ trưởng thành cũng như những hộ gia đình có thu nhập cao.
Chia sẻ và cập nhật các thông tin thương mại tại thị trường Singapore, Tham tán Thương mại Cao Xuân Thắng, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam lưu ý xu hướng thương mại điện tử của Singapore trong tương lai như: Thương mại điện tử cho điện thoại thông minh, phát sóng trực tiếp (livestream), thương mại trên nền tảng các mạng xã hội, thanh toán trực tuyến và thương mại giọng nói (voice commerce).
Tại hội nghị, các doanh nghiệp Singapore đã bày tỏ sự quan tâm tới các chính sách, nhất là thu hút đầu tư hạ tầng phục vụ thương mại điện tử, chuyển đổi số tại Việt Nam.
Hội nghị đã thu hút gần 300 lượt doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Singapore tham dự. Các doanh nghiệp tham gia bao gồm các nhà sản xuất, trang trại, công ty thương mại, phần mềm, giải pháp công nghệ, in ấn và bao bì, đóng gói, bán buôn, bán lẻ, may mặc, gia dụng, tư vấn pháp lý, chuyển đổi số, đầu tư, nghiên cứu khoa học, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và các cơ quan báo chí.