Kết nối doanh nghiệp hướng đến xuất khẩu nông sản bền vững
Cửa khẩu Lạng Sơn mùa cao điểm xuất khẩu nông sản Nông sản Việt nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu |
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, việc kết nối hai chiều giữa vùng nguyên liệu và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sẽ giúp doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam có nguồn nguyên liệu bền vững phục vụ cho việc xuất khẩu.
Nhu cầu lớn
Tại hội nghị kết nối thông tin thị trường xuất khẩu với chủ đề “Nông sản Việt Nam vươn xa”, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, 5 năm tới, nhu cầu xuất khẩu nông sản Việt đến các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc sẽ tăng trưởng từ 1 - 2%, riêng cà phê dự báo tăng trưởng 4,8% trong giai đoạn 2020 - 2025.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hàng hóa xuất khẩu nói chung và nông sản của Việt Nam nói riêng có rất nhiều lợi thế khi Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, việc tận dụng các lợi thế do các FTA mang lại còn hạn chế.
"Với lợi thế phát triển nông nghiệp, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hằng năm, đặc biệt một số ngành như thủy sản đã đóng góp hơn 10 tỷ USD nên đây sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt", ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết.
Các doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu về nông sản của Việt Nam tại hội chợ hàng xuất khẩu. |
Tuy nhiên, ông Lê Văn Vũ, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu thủy sản Vũ Anh cho biết, hiện nay các doanh nghiệp Việt đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đầu tiên là các nước giảm nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, thứ hai là nhiều mặt hàng nông sản Việt đang chịu sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp nước ngoài.
"Ngay chúng tôi cũng đang gặp khó khi cạnh tranh với doanh nghiệp các nước. Cụ thể, mặt hàng tôm tiếp tục khó khăn vì áp lực cạnh tranh ngày càng lớn với các nước như Ecuador, Ấn Độ; đặc biệt khi gần đây các nước này đã gia tăng nguồn cung. Do đó, doanh nghiệp Việt đang tìm hướng xuất khẩu bền vững và có thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài là ở phân khúc có thế mạnh hơn như: tôm cỡ lớn, tôm sú, tôm tươi sống", ông Lê Văn Vũ nói.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, để nâng cao hiệu quả trong xuất khẩu, một trong những giải pháp quan trọng là các doanh nghiệp xuất khẩu nên tăng cường kết nối, hợp tác với các đối tác xuất khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu về mặt kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu. Ngoài việc tăng cường liên kết hợp tác, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cũng cần hướng tới đẩy mạnh kinh doanh, kết nối trên môi trường số, chợ online… để giúp giảm các chi phí phát sinh cũng như nhanh chóng tiếp cận được với khách hàng.
Xuất khẩu qua môi trường số
Theo ông Huỳnh Kim Tước, đồng Chủ tịch Tiểu ban kinh tế số và công nghệ, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), trên nền tảng kinh doanh xuyên biên giới, Việt Nam đang thuộc top những nước dẫn đầu và đang tiếp tục tăng trưởng. Ví dụ, năm 2022, Amazon tăng hơn 80% số đối tác bán hàng Việt Nam trên nền tảng của họ, trong đó phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhiều mặt hàng nông sản đặc trưng của Việt Nam. Ngoài nền tảng Amazon, những công ty công nghệ khác cũng báo cáo có tăng trưởng tốt đối với các mặt hàng xuất khẩu qua nền tảng công nghệ số, nhiều doanh nghiệp nông sản còn có tăng trưởng 3 con số.
Vì vậy, ông Huỳnh Kim Tước cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam nên đi theo hướng kinh tế số, công nghệ số để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản đi các nước. Có thể thấy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu triệu USD thông qua chợ online, đó chính là cơ hội không chỉ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mà các doanh nghiệp lớn cũng có thể tham gia.
"Sắp tới, AmCham sẽ cùng Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tổ chức các buổi huấn luyện, đào tạo, tập huấn cụ thể về thương mại điện tử, "nắm tay" doanh nghiệp đi từng bước để sản phẩm đạt được chuẩn quốc tế đối với các nông sản hướng đến xuất khẩu bền vững", ông Tước cho biết thêm.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, TP Hồ Chí Minh hiện có hàng chục nghìn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hàng nghìn văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài và nhiều cơ quan thương vụ nước ngoài đóng trên địa bàn. Do đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các đơn vị đại diện, doanh nghiệp nước ngoài nêu trên để họ biết đến doanh nghiệp nông sản nhiều hơn.
"Việc doanh nghiệp đẩy mạnh kết nối hai chiều giữa vùng nguyên liệu và doanh nghiệp xuất khẩu với TP Hồ Chí Minh sẽ là tiền đề quan trọng để nông sản Việt vươn xa. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước và cũng là hạt nhân của khu vực Đông - Tây Nam bộ nên được đánh giá sẽ là đầu mối giao thương hàng hóa nội địa và quốc tế. Đặc biệt, hầu hết nông sản, thủy sản của khu vực phía Nam được doanh nghiệp Thành phố tập kết và xuất khẩu thông qua các cảng tại TP Hồ Chí Minh", ông Nguyễn Nguyên Phương nói.
Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế, muốn kết nối thông suốt và nhanh chóng thì cần có cơ chế đột phá, đi đầu, có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, sự góp sức từ nhiều bộ, ngành. Trong đó, vai trò của Bộ Công Thương khá quan trọng khi là cầu nối kết nối, xúc tiến thương mại giữa các nước, giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương và các đại biểu tham quan các gian hàng tại Diễn đàn và Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu năm 2023. |
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nông sản trong nước cần nắm bắt diễn biến chính sách của nước sở tại, kể cả chính sách thị trường khu vực, từ đó đề xuất phản ứng chính sách phù hợp ở cả cấp quốc gia và doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu cho nông sản Việt vươn xa. Mặt khác, thông qua hệ thống thương vụ để phổ biến các quy cách, tiêu chuẩn hàng hoá, tập quán tiêu dùng, tiếp cận phương thức sản xuất mới phù hợp và hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hợp tác đầu tư.
"Về lâu dài, các nhà quản lý cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp, duy trì, mở rộng thị trường truyền thống, mở rộng danh mục và quy mô hàng hóa và giá trị xuất khẩu cho nông sản Việt. Từ đó, cân bằng thương mại với những thị trường truyền thống; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong nước hợp tác đầu tư, nhất là hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao; hỗ trợ hợp tác trong việc mua nguyên liệu để phục vụ cho ngành sản xuất trong nước. Ngoài ra, các đơn vị, nhà quản lý cần tìm kiếm, phát triển thị trường mới, thị trường tiềm năng để giới thiệu cho doanh nghiệp nông sản trong nước tiếp cận quảng bá, giới thiệu sản phẩm mới của họ nhằm mở rộng thị trường...", ông Đỗ Thắng Hải chia sẻ thêm.