Huyện Mèo Vạc: Hành động thiết thực bảo vệ giá trị công viên địa chất cao nguyên đá
Thực hiện Chương trình 147/Ctr-UBND ngày 29/11/2012 của UBND tỉnh, ngay từ cuối năm 2012, UBND huyện Mèo Vạc đã tổ chức phối hợp với Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, các đơn vị liên quan của tỉnh Hà Giang và Ban Tuyên giáo huyện ủy tổ chức triển khai xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về giá trị, tầm quan trọng của Công viên địa chất tới các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo vệ các di sản địa chất, di sản văn hóa và đa dạng sinh học. Theo đó, đến nay UBND huyện Mèo Vạc đã tổ chức tuyên truyền cho gần 14 nghìn lượt người trong các xã, thị trấn, đồng thời đưa ra nội dung tuyên truyền thiết thực về công viên địa chất vào giảng dạy trong các trường học.
Trong công tác phát triển bền vững các giá trị di sản vùng, UBND huyện Mèo Vạc đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Hà Giang, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tiến hành khảo sát, lập hồ sơ đề nghị công nhận chợ tình Khâu Vai là di tích cấp quốc gia. Ngoài ra còn tiến hành lập hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền công nhận một số di sản văn hóa như: lễ rước trống thôn Nà Trào, hang động xã Tả Lùng; tiến hành khảo sát các vị trí, điểm du lịch trên địa bàn huyện làm cơ sở xây dựng những dự án đầu tư ở Mã Pì Lèng, làng văn hóa du lịch Tả Lùng B, lòng hồ thủy điện Nho Quế…
Cụ thể, làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới tại thôn Tả Lùng đang được tiến hành xây dựng đồng thời với việc tiến hành triển khai đề án phát triển du lịch huyện Mèo Vạc giai đoạn 2010 - 2015, tầm nhìn đến năm 2030.
Tại đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc tiến hành xây dựng điểm dừng chân và bậc thang lên xuống phục vụ du khách ngắm cảnh và chụp ảnh. Trong buổi đi khảo sát và kiểm tra từ ngày 12-14/4/2014, khi đến đây Giáo sư Guy Martini, Điều phối viên của Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (GGN) đã rất hoan nghênh và đánh giá cáo sáng kiến cũng như nỗ lực của UBND tỉnh Hà Giang và huyện Mèo Vạc. Theo Giáo sư dự án xây dựng điểm dừng chân cũng như bậc cầu thang lên xuống chân đèo vừa tạo cơ hội cho du khách ngắm cảnh được gần với thiên nhiên, hơn thế nữa còn tạo sự an toàn cho du khách có nhu cầu xuống khu vực dưới chân đèo. Giáo sư đề nghị tỉnh Hà Giang và huyện Mèo Vạc nên có sự hợp tác chặt chẽ với các cơ quan truyền thông ở Trung ương để tuyên truyền về dự án này, tránh để người dân và du khách hiểu sai mục đích xây dựng của dự án.
Ông Hầu Minh Lợi, Bí thư huyện ủy Mèo Vạc cho biết “Hiện huyện đang đẩy mạnh một loạt các hoạt động phối hợp với ngành văn hóa, du lịch và Ban Quản lý Công viên địa chất trong việc xây dựng tour tuyến, bảo tồn các di tích di sản, cũng như nâng cao công tác tuyên truyền; Có biện pháp quản lý chặt chẽ để người dân không phá đá xây dựng nhà cửa. Đáng mừng là đến nay người dân ở Mèo Vạc đã nhận thức được và chủ động cùng tham gia bảo vệ di sản”.
Không những thế, huyện còn chủ trương xây dựng phương án chuyển đổi ngành nghề hướng vào phục vụ du lịch. Trong đó, xác định một số nghề, làng nghề truyền thống như làng nghề truyền thống thêu thổ cẩm thôn Sảng Pả A thị trấn Mèo Vạc; nghề truyền thống bốc thuốc nam của người Tày thôn Bản Tồng, xã Niêm Sơn; tiếp tục phương án phát triển mở rộng HTX mật ong Bạc Hà huyện Mèo Vạc.
Không tự hài lòng với những gì đạt được, lãnh đạo huyện Mèo Vạc khẳng định sẽ tiếp tục bố trí kinh phí, phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và các cơ quan ban ngành tổ chức tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện về giá trị của Công viên địa chất./.
Minh Lâm