Hương vị Tết Việt trong lòng những người con xa xứ
Tết Nguyên đán là một ngày lễ quan trọng đối với mỗi người con Việt Nam, vừa là nét văn hóa truyền thống vừa là dịp để gia đình quây quần bên nhau, chia sẻ những câu chuyện của bản thân trong năm vừa qua.
Tuy nhiên, tùy vào tính chất công việc, khoảng cách địa lý, nhiều người không thể về kịp trước Giao thừa hay về quê đón Tết cùng cha mẹ, sum vầy cùng những người thân yêu. Vì vậy, nỗi nhớ ấy càng thêm dâng trào và da diết mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Gìn giữ nét đẹp ngày Tết truyền thống
Năm nay, cô Dương Thị Nhung (quê ở Hà Nam) tiếp tục đón Tết cùng gia đình ở Cộng hòa Séc. 20 năm sinh sống nơi xứ người nhưng gia đình cô Nhung vẫn giữ truyền thống ăn Tết ấm áp của người Việt. Ban ngày, mọi người trong gia đình vẫn bận bịu với công việc bán hàng nhưng tối về, gia đình cô cùng các anh em họ hàng đều dành một khoảng thời gian cho nhau.
Gia đình cô Nhung quây quần bên nhau trong đêm giao thừa năm 2018 chào mừng Tết Nguyên đán. Ảnh: NVCC |
Cô Nhung chia sẻ: “Mỗi dịp Tết đến, xuân về, gia đình và anh chị em, con cháu lại tụ tập tổ chức ăn uống, hát ca. Trên mâm cơm ngày ấy không thể thiếu những món ăn truyền thống như bánh chưng, dưa hành muối, giò, chả, gà, nem, miến nấu măng…”.
Mọi người trong nhà hàn huyên, kể lại chuyện công việc, cuộc sống hàng ngày. Và khi thời khắc giao thừa đã điểm, cô không quên gọi về cho ba mẹ, những người họ hàng ở quê hương Việt Nam thân yêu!
Dù nhìn thấy nhau qua màn hình điện thoại, gửi gắm những lời chúc chân thành nhưng vẫn không thể làm vơi bớt đi nỗi nhớ gia đình, những người ruột thịt. Bên cạnh những lời chúc là những lời nhắn nhủ năm sau sắp xếp công việc, cả gia đình cùng về Việt Nam.
Không chỉ những người định cư ở nước ngoài đã lâu, các bạn du học sinh, những người xuất khẩu lao động cũng hướng về gia đình dịp Tết này.
Dù không phải năm đầu tiên xa quê, chị Nguyễn Thị Hồng Liên (23 tuổi, quê Hà Nam, du học sinh Hàn Quốc) vẫn luôn mang cảm giác buồn tủi, nhớ nhà, chỉ mong về nhà để đón tết cùng gia đình. May mắn thay, ở đây cô có hội đồng hương (các anh chị em cùng làm việc và học tập tại xứ sở kim chi) nên nỗi nhớ nhà có phần vơi bớt.
“Ở Hàn Quốc cũng đón Tết Nguyên đán dù thời gian nghỉ ít hơn (3 ngày). Mình cùng bạn bè và anh chị sẽ họp mặt, ăn uống, trò chuyện cùng nhau. Dù đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam nhưng tất cả đều là những người con xa xứ, cùng tụ họp và quây quần bên nhau đã phần nào gắn chặt tình đoàn kết, tạo ra khônng khí ấm áp nơi xứ người và giữ gìn nét đẹp quê hương”, chị Liên kể.
Chị Thu cùng những người bạn tất bật chuẩn bị món ăn trong đêm giao thừa năm trước. Ảnh: NVCC |
Với chị Nguyễn Thị Thu (23 tuổi, người lao động tại Nhật Bản) vì đã về Việt Nam dịp Trung thu nên Tết này chị sẽ không đón Tết cùng cha mẹ và các em.
Chị tâm sự: “Tết đến, mình nhớ khoảnh khắc được ngồi sau xe mẹ chở đi chợ, sắm hoa, mâm ngũ quả, đồ dùng trang trí ngày Tết. Hình ảnh cây đào, cây quất được để trước hiên nhà và việc lau lá dong cùng bà nội gói bánh đến giờ mình vẫn ghi nhớ”.
Ở Nhật Bản, chị không đón Tết Âm cổ truyền như Việt Nam mà chỉ đón Tết Dương lịch. Đặc biệt, khi đón Tết Nguyên đán bên này, chị không phải chuẩn bị nhiều vì chị cùng những người bạn vẫn phải đi làm đến ngày cận Tết, thậm chí là đi làm vào ngày Tết.
Chị đã xem lịch và biết Tết Nguyên đán vào cuối tuần. Vì vậy, chị cùng những người bạn sẽ làm một bữa tiệc nhỏ để tất cả quây quần và đón giao thừa cùng nhau.
“Chúng mình sẽ cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, cùng nhau đi siêu thị mua đồ về nhà ăn, và tất nhiên không thể thiếu vài chiếc bánh chưng, vài khoanh giò và một hai con gà như mọi năm. Sau bữa tiệc, mọi người sẽ gọi về cho gia đình, chúc Tết ông bà, bố mẹ”, chị vui vẻ nói.
Luôn mong đón Tết cùng gia đình
Đối với chị Liên, Tết Nguyên đán vô cùng đặc biệt và thiêng liêng. Chỉ cần thấy bánh chưng, hoa đào, hoa mai, lồng đèn, mọi người chen chúc ngoài chợ là cô gái này đã thấy không khí Tết ngập tràn.
Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, Tết Nguyên đán như những ngày thường, không có hoa đào, hoa mai, không cảm nhận được không khí Tết. Chị Liên hy vọng năm sau có thể sắp sếp được công việc và trở về nhà, trở về với vòng tay của cha mẹ. Vì chị biết rằng, ở nhà luôn có bố mẹ mong chờ và nhớ thương con gái.
Trong khi đó, vì mới sang Nhật nên chị Thu vẫn rất nhớ nhà, đôi lúc cảm thấy buồn và tủi thân. Năm tới, chị mong công việc được thuận lợi, có nhiều giờ làm tăng ca để kiếm thêm thu nhập, có thể giúp đỡ cho bố mẹ và ăn Tết cùng gia đình.
Không chỉ những du học sinh, những người xuất khẩu lao động nhớ quê hương Việt Nam mà cả những người như cô Nhung, đã định cư và ổn định bên nước ngoài cũng luôn thấp thỏm, nhớ người thân da diết.
Dù đã quen cuộc sống bên này nhưng được đón Tết quê hương sẽ khiến cô cùng gia đình cảm thấy ấm áp và thiêng liêng hơn. Vậy nên, trong năm tới, cô ước muốn cả gia đình sẽ về Việt Nam đón Tết Nguyên đán.
Có thể thấy, mỗi người con Việt dù ở đâu, làm gì cũng đều mang trong mình tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn và da diết. Không những vậy, họ còn trân quý những giá trị truyền thống và lưu giữ những điều tốt đẹp này đến thế hệ mai sau giống như cách họ hướng về Tết Nguyên đán.