Bệ đỡ cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Khơi nguồn khởi nghiệp
Nhìn lại sự hình thành cộng đồng khởi nghiệp có thể thấy thành công của một số DN điển hình thuộc thế hệ thứ nhất (hình thành từ những năm 2000) như Vinagames, VC Corporation, hay Vatgia.vn; và các DN khởi nghiệp sáng tạo thuộc thế hệ thứ hai (hình thành từ những năm 2010)…, thì thế hệ thứ ba là thế hệ DN nổi bật trong 2-3 năm gần đây trong các lĩnh vực như công nghệ giáo dục, nông nghiệp, công nghệ tài chính, thương mại điện tử, giải trí, truyền thông.
Tính đến nay, cả nước có hơn 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo với 300 sản phẩm khởi nghiệp đã được kết nối đến với cộng đồng và các quỹ đầu tư. Hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã có hoạt động tại Việt Nam. Có 24 cơ sở ươm tạo (BI), 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA) và nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp được hình thành như “Mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”, chương trình “Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam”.
Những con số ấn tượng này đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Đây là kết quả của sự chủ động, vào cuộc tích cực của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) và sự tham gia, hưởng ứng mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội cũng như các hiệp hội trên cả nước sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động Năm quốc gia khởi nghiệp. Đây cũng là kết quả đáng khích lệ sau một năm triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 mà Thủ tướng giao cho Bộ KHCN chủ trì.
Bên cạnh đó, đến nay Việt Nam cũng đã hình thành được một số mạng lưới cố vấn hỗ trợ DN khởi nghiệp như: Mạng lưới hỗ trợ DN nhỏ và vừa (SMEs Mentoring Network), Tổ chức SECO (Thụy Sĩ), Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP). Các hoạt động khác nhằm kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, quốc tế và thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp cũng đang diễn ra rất sôi nổi.
|
Theo Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm, là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của chính quyền thành phố trong thời gian qua đã góp phần hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng DN đến xã hội và đạt được nhiều kết quả khả quan. Để tiếp tục duy trì và phát huy các thành tựu trên, thành phố đã xác định mô hình phát triển kinh tế bền vững theo hướng kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh dựa trên nền tảng KHCN, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Thành phố cũng đã triển khai nhiều chương trình và kế hoạch hành động với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đồng bộ. Nổi bật là Chương trình Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020, kế hoạch triển khai Nghị quyết số 35/NQ- CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020, kế hoạch hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp tại thành phố, Quy chế phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
Bệ đỡ thúc đẩy sáng tạo và khởi nghiệp
Để nhân rộng quy mô và phát triển hơn nữa số lượng và chất lượng các DN khởi nghiệp sáng tạo, theo nhiều chuyên gia và DN, cần phải xây dựng môi trường thuận lợi cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển. Bên cạnh sự vào cuộc của Chính phủ, các tổ chức khởi nghiệp, còn cần đến rất nhiều nguồn lực từ xã hội, đặc biệt là các DN đi trước với bề dày kinh nghiệm và thành tích trong quá trình khởi nghiệp. Chính những DN đã thành công này sẽ quay trở lại đào tạo, bồi dưỡng chia sẻ kinh nghiệm, đầu tư vốn cho những DN mới khởi nghiệp.
|
Thêm vào đó, công tác thông tin, tuyên truyền cũng rất quan trọng để cung cấp kiến thức, thông tin, tạo lập “văn hóa khởi nghiệp”. Trong hai năm qua, nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ các bạn trẻ muốn kinh doanh, các DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo và DN có tiềm năng tăng trưởng cao đã được ban hành.
Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020; Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" ngày 18/5/2016. Đặc biệt là Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa được Quốc hội ban hành ngày 12/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 với chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Gần đây nhất, vào tháng 10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho các em trong thời gian học tập tại các nhà trường. Đề án còn tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Bà Thạch Lê Anh - thạc sỹ quản trị kinh doanh, Chủ nhiệm Đề án Thung lũng Silicon Việt Nam cho biết, để DN khởi nghiệp có thể phát triển thì vấn đề đầu tư, đặc biệt là đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu là vô cùng quan trọng. Việc thực hiện Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam - Vietnam Silicon Valley (gọi tắt là VSV) trong 5 năm (2013-2017) đã có những bước phát triển nhất định, góp phần tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo sôi động tại Việt Nam.
Về đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, thị trường Việt Nam đã ghi nhận sự tham gia của một số quỹ đầu tư vào các startup như: Cyber Agent (Nhật Bản), Golden Gate Venture (Singapore), IDG, 500 startup (Mỹ)... Tuy nguồn vốn đầu tư cho startup của các quỹ kể trên là tương đối lớn nhưng startup Việt Nam lại không đủ khả năng đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn đầu tư của các quỹ này. Về các kênh huy động vốn truyền thống, có một số kênh truyền thống mà các công ty có thể tận dụng để kêu gọi vốn như người thân và gia đình, ngân hàng, quỹ đầu tư mạo hiểm, sàn chứng khoán, các quỹ của Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ...
Chia sẻ về bài học kinh nghiệm từ chính phủ các nước, nhiều chuyên gia cho hay, tất cả các quốc gia có hệ sinh thái startup đặc biệt phát triển như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Anh, Ấn Độ... đều có sự tham gia của Chính phủ và không chỉ với vai trò chính sách mà còn dưới vai trò nhà đầu tư cho quỹ. Kỳ vọng rằng, với việc đầu tư vào startup đang trở thành làn sóng mạnh mẽ, nhất khi đã có bước đột phá về chính sách, Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động... sẽ tạo được nhiều cơ chế, bệ đỡ vững chắc cho DN khởi nghiệp.
Trong 2 năm 2016-2017, hoạt động của các DN đổi mới sáng tạo Việt Nam đã diễn ra rất sôi động. Chỉ tính riêng 5 thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất đã có tổng giá trị lên đến hơn 50 triệu USD (Momo: 28 triệu USD, F88: 10 triệu USD, Go It!: 9 triệu USD, Vntrip.vn: 3 triệu USD, Toong: 1 triệu USD). Mới đây nhất, Foody - mạng xã hội về ẩm thực đã được SEA mua lại hơn 82% cổ phần với giá hơn 64 triệu USD, được coi là khoản đầu tư lớn nhất trong năm 2017. |