Hướng đi cho kinh tế xanh Việt Nam
Với sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước về việc ưu tiên phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; sự nỗ lực của các cấp, ngành, tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, doanh nghiệp và cộng đồng, ngành du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Giai đoạn 2015 - 2019, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lên 18 triệu với tốc độ 22,7%/năm; khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt với tốc độ 10,5%/năm; tổng thu từ du lịch tăng từ 355 nghìn tỷ đồng lên 755 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 20,7%/năm; giá trị xuất khẩu tại chỗ của du lịch tăng 2,1 lần.
Những thành tựu của du lịch Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ hạng 75/141 năm 2015 lên 63/140 nền kinh tế năm 2019. Tổ chức Du lịch thế giới xếp Việt Nam thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát tác động trực tiếp đến ngành du lịch thế giới nói chung và ngành du lịch Việt Nam nói riêng.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch dự báo, lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80%; khách nội địa đến hết tháng 11/2020 ước đạt 49 triệu lượt, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2019; khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên tới 530 nghìn tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD).
Để vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm vực dậy ngành du lịch trong năm 2021 khi thị trường quốc tế chưa thể mở cửa, thị trường nội địa tiếp tục được coi là giải pháp then chốt của Việt Nam. Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB), thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân - khẳng định, thời điểm này, cần triển khai 3 giải pháp chiến lược trọng tâm nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho toàn ngành du lịch thời điểm trong đại dịch và sau đại dịch. Thứ nhất, phát triển thị trường du lịch nội địa trở thành thị trường nguồn quan trọng, đóng góp 55-75% tổng doanh thu của ngành trong 2 - 3 năm tới. Thứ hai, tăng năng lực cạnh tranh của toàn ngành du lịch Việt Nam, đồng bộ với các phương án mở cửa an toàn trong khi chờ có vaccine Covid-19. Thứ ba, triển khai các giải pháp về cơ chế đối thoại công - tư hiệu quả trong lĩnh vực du lịch.
Bên cạnh đó, năm 2021, các doanh nghiệp và địa phương trên cả nước đều nhận thức được việc cần làm là tất cả phải tăng cường các khối liên minh phát triển du lịch của doanh nghiệp - địa phương - chính phủ, nhằm phát huy lợi thế của mỗi doanh nghiệp, mỗi điểm đến và mỗi địa phương. Tổng Giám đốc Tập đoàn Sungroup Dương Phú Nam cho rằng, khối liên minh này sẽ tạo sức mạnh, từ đó tạo nên những chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn cả về chất lượng và mức giá, thu hút du khách đi du lịch và chi tiêu. Tuy nhiên, để thực thi, khối liên minh cần cơ chế trao quyền dẫn dắt cho địa phương hoặc doanh nghiệp thực hiện các chiến dịch liên kết. “Để phục hồi thị trường nội địa cần tiếp tục hiệu triệu “Yêu Việt Nam - Du lịch Việt Nam”, Chính phủ hỗ trợ các hãng hàng không “Mở cửa bầu trời nội địa”. Bởi, hai yếu tố quan trọng nhất cho một chuyến đi là “Nghỉ ở đâu và đi bằng phương tiện gì?” tức là khách sạn và hàng không đóng vai trò chính yếu thúc đẩy du khách “xách balô lên và đi” - ông Nam nói.
Đồng quan điểm, ngoài chủ trương phát triển du lịch của Chính phủ, bà Lê Thị Giang - Phó Giám đốc Công ty Hanoitourist - kiến nghị, các địa phương cần đưa ra chính sách đồng bộ, doanh nghiệp lữ hành phải liên kết theo lộ trình để kích cầu du lịch đạt hiệu quả. Bởi thực tế hiện nay, thực hiện chương trình kích cầu du lịch, có địa phương miễn giảm phí tham quan, nhưng có tỉnh lại không; có tỉnh mở cửa điểm tham quan trong khi tỉnh lân cận lại đóng. Điều này đang gây khó khăn trong việc kích cầu du lịch bởi một tour du lịch luôn kết hợp nhiều điểm, nếu không liên kết sẽ tăng chi phí và làm nản lòng du khách cũng như doanh nghiệp.
Không chỉ cần những chính sách để “cứu” du lịch vượt “bão Covid-19,” các doanh nghiệp, các chuyên gia du lịch, kinh tế cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần thiết phải đổi mới nhận thức, tư duy về định hướng phát triển du lịchtrong dài hạn. Đề cập đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng–cũng nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc tới ngành du lịch, đòi hỏi phải có biện pháp ứng phó kịp thời đánh giá lại, tư duy lại về cách làm du lịch, đồng thời xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch tới đây. “Bộ VHTT&LD đã có đề nghị các Bộ, ngành liên quan tích cực tham gia vào các công tác bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh; tích cực tham gia vào việc xây dựng chuỗi cung ứng phát triển du lịch, phát triển đa dạng sản phẩm, đào tạo nhân lực, lồng ghép truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam trong các chương trình, sự kiện ở trong và ngoài nước” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.
Ông Zurab Pololikashvili - Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới: UNWTO tán dương tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam với những quyết sách đúng đắn, thích hợp trước đại dịch. Tổ chức Du lịch thế giới cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ ngành du lịch Việt Nam trong quá trình thích ứng trước tác động của đại dịch Covid-19 thời gian tới. |