Hoa, vỏ bằng lăng làm thuốc, chế biến món ăn được không?
Sắc bằng lăng ''nhuộm'' tím phố phường Hà Nội Vương vấn mùa hoa bằng lăng tím Hà Nội... |
Cây hoa bằng lăng là loài cây có nguồn gốc từ Ấn Độ, thuộc chi Tử Vi, có tên khoa học là Lagerstroemia speciosa. Cây hoa này là loài cây thân gỗ, dáng thẳng và phân nhánh nhiều, có chiều cao từ 100 - 150cm. Lá cây dài từ 8 đến 15cm, có hình elip hay oval và có màu xanh. Cây thay lá vào mỗi mùa thu, hoa của cây thường mọc thành từng chùm, mỗi chùm dài 20 - 30cm. Vào mỗi mùa hè, đây là thời điểm mà cây bằng lăng nở hoa nhiều nhất và cũng là khoảnh khắc đẹp nhất. Sau một thời gian, hoa sẽ kết quả và rụng đi, quả có hình cầu có màu nâu gỗ khi về già, lúc còn non thì có màu xanh tím, khá là cứng và bên trong có hạt.
Do cây có đặc điểm thẳng đứng, tán lá rộng nên thường dùng để làm cây cảnh, làm đẹp cảnh quan như khuôn viên trường, công viên,...cũng như giúp lọc không khí, làm không gian thêm thoáng mát và sạch bụi. Hơn nữa, bằng lăng còn là một vị thuốc, hỗ trợ điều trị các triệu chứng bệnh lý khác nhau.
Bằng lăng được sử dụng như một vị thuốc và chế biến được nhiều món ngon |
Theo Đông Y, bằng lăng có mùi thơm đặc trưng, chát, không độc, có tính kháng khuẩn mạnh, các thành phần của bằng lăng đều có thể dùng để chữa nhiều loại bệnh khác nhau.
Lá bằng lăng được cho là có thể kiểm soát lượng đường trong máu nên hữu ích trong việc điều trị bệnh tiểu đường. Sở dĩ, lá bằng lăng có tác dụng này là nhờ chứa các hợp chất như axit corosolic, ellagitannin và gallotannins. Axit corosolic làm giảm lượng đường trong máu bằng cách tăng độ nhạy insulin, tăng cường hấp thu glucose và ức chế alpha-glucosidase - một loại enzyme giúp tiêu hóa carbs. Vì thế mọi người có thể hãm lá bằng lăng như trà, uống có tác dụng rất tốt cho người bị bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, trong lá bằng lăng có chứa nhiều chất chống oxy hoá như phenol và flavonoid, cũng như quercetin và axit corosolic, gallic và ellagic, có tác dụng chống lại các gốc tự do. Gốc tự do là tác nhân gây đột biến gen, góp phần làm tăng nguy cơ ung thư hoặc các bệnh tật khác.
Những người béo phì, thừa cân có thể dùng trà từ lá bằng lăng mỗi ngày kết hợp với rèn luyện để ngăn cản sự ứ trệ của carbonhydrate và ngăn không cho mỡ hình thành.
Lá bằng lăng không chỉ có nhiều axit mà còn có thành phần lợi tiểu, kháng khuẩn rất tốt, nên để phòng các căn bệnh về đường tiết niệu mọi người hãy uống trà từ loại lá này đều đặn.
Cây bằng lăng còn được ứng dụng để trị rất nhiều các căn bệnh khác như trị các bệnh nấm ngoài da, lỵ trực khuẩn, nhuận tràng và trị bỏng theo kinh nghiệm dân gian.
Hạt của quả bằng lăng có thể giúp ngủ ngon hơn, trị lở loét, tổn thương ở vùng miệng.
Ngoài công dụng có thể dùng để chữa nhiều bệnh khác nhau, hoa bằng lăng còn có thể dùng làm món ăn khi kết hợp với thịt, rau củ quả tạo nên vị đặc trưng của món gỏi, tươi ngon, giúp hạ nhiệt mùa hè. Các gia đình có thể làm gỏi hoa bằng lăng với tôm, tai heo hay bất cứ nguyên liệu nào mình yêu thích.
Món gỏi từ hoa bằng lăng đang được nhiều người yêu thích |
Để món nộm tươi ngon, bạn lưu ý chọn những bông hoa bằng lăng mới nở, tách cánh hoa khỏi nhụy, nhẹ nhàng rửa sạch, để ráo nước. Tiếp theo, bạn sơ chế các nguyên liệu khác như ướp thịt bò, bóc tôm, thái hành hoa, cà rốt, ớt chuông, sau đó làm nước sốt chua ngọt. Cuối cùng là khâu trộn các nguyên liệu với nhau và ăn cùng bánh phồng tôm cũng rất thú vị.
Những lưu ý khi sử dụng bằng lăng Sử dụng lá bằng lăng khá an toàn, nhưng để phòng ngừa một số tác dụng có thể xảy ra, mọi người nên lưu ý một số điều: - Vì lá bằng lăng có tác dụng giảm lượng đường trong máu. Vì vậy, khi sử dụng là bằng lăng, bạn không nên kết hợp với các loại thuốc trị tiểu đường khác như metformin hoặc với các thực phẩm khác được sử dụng để giảm lượng đường trong máu. - Những người bị dị ứng với các loại thực vật khác thuộc họ Lythraceae - chẳng hạn như quả lựu và loosestrife - nên thận trọng khi sử dụng cây bằng lăng, vì những người này có thể tăng độ nhạy cảm với loại cây này. - Một nghiên cứu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường và suy giảm chức năng thận đã báo cáo rằng axit corosolic từ lá bằng lăng có thể dẫn đến tổn thương thận khi dùng cùng với diclofenac - một loại thuốc chống viêm không steroid, dùng để điều trị đau khớp. Do đó, bạn nên thận trọng hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ khi đang dùng bất kỳ loại thuốc nào. |