Hoa Kỳ vẫn là thị trường tiềm năng cho hoa quả, trái cây của Việt Nam
Bổ sung vitamin D từ loại trái cây nào hiệu quả nhất? Khai mạc tuần lễ quảng bá các sản phẩm nông sản, trái cây chất lượng cao ‘Vua trái cây Việt’ thu về hơn 1 tỷ USD chỉ trong 2 tháng |
Cơ hội lớn cho trái cây Việt Nam
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, với dân số trên 330 triệu người, sức tiêu thụ lớn, Hoa Kỳ là một thị trường trọng điểm cho các loại nông sản, thực phẩm trong đó có trái cây mùa vụ.
Đặc biệt, trái cây tươi và đông lạnh luôn chiếm một vị trí quan trọng trong khẩu vị của người tiêu dùng Hoa Kỳ. Năm 2023, quốc gia này đã nhập khẩu lượng lớn các loại trái cây như quả mọng berries (4,3 tỷ USD), bơ (2,98 tỷ USD), chuối (2,76 tỷ USD), nho (2,49 tỷ USD), quả có múi (1,89 tỷ USD), dâu tây (1,49 tỷ USD)… với tổng trị giá lên đến 20 tỷ USD.
Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ ngày càng đông đảo, cùng với sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng Hoa Kỳ đối với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và trái cây nhiệt đới, đã tạo ra một thị trường đầy tiềm năng cho trái cây Việt Nam. Hiện nay, 8 loại trái cây Việt Nam đã được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ bao gồm: Thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi và dừa.
Trái bưởi tươi của Việt Nam là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Ảnh: TTXVN |
Nâng cao giá trị gia tăng của trái cây mùa vụ
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ nhận định, Hoa Kỳ thực sự là thị trường tiềm năng cho hoa quả, trái cây của Việt Nam, do đó, các vùng trồng, doanh nghiệp, nhà nước cần tăng cường các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn.
Tuy nhiên, để thâm nhập và cạnh tranh trên thị trường Hoa Kỳ, trái cây Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức. Tính mùa vụ, thời gian bảo quản ngắn, khoảng cách địa lý xa và sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác là những khó khăn đáng kể. Bên cạnh đó, các quy định về an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ cũng rất nghiêm ngặt, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao về chất lượng và an toàn.
Để khắc phục những khó khăn này, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp như nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm để đảm bảo trái cây được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác.
Bên cạnh trái cây tươi, nên phát triển các sản phẩm chế biến như trái cây sấy khô, trái cây đóng hộp, nước ép trái cây để tăng thêm giá trị và kéo dài thời gian bảo quản.
Tối ưu sử dụng các công nghệ bảo quản tiên tiến như chiếu xạ, bao bì chân không, chế phẩm sinh học để giữ cho trái cây luôn tươi ngon.
Bên cạnh đó, tạo dựng một thương hiệu trái cây Việt Nam gắn liền với chất lượng và sự an toàn đi đôi với việc Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, tiếp cận thị trường, quảng bá thương hiệu. Đặc biệt, mời các doanh nghiệp nhập khẩu về thăm vùng trồng, cơ sở chế biến, phát huy quan hệ kết nghĩa với các địa phương tại Hoa Kỳ để làm căn cứ lan tỏa hình ảnh thương hiệu sản phẩm Việt Nam.
Xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai bài bản, đồng bộ, có điểm nhấn và kiên trì công tác quảng bá, xúc tiến thương mại trái cây mùa vụ. Đặc biệt là xây dựng câu chuyện gắn với trái cây, khai thác hình ảnh thực tế vùng trồng, tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các khu chợ người Việt, người châu Á.
Đối với đơn vị logistics, cần khuyến khích, hỗ trợ sự tham gia của các doanh nghiệp vận tải (hàng không, tàu biển) để giảm cước vận chuyển trái cây mùa vụ vào các dịp cao điểm từ Việt Nam sang Hoa Kỳ và các thị trường khác.
Khuyến khích các doanh nghiệp logistics phát huy thế mạnh hệ thống hạ tầng, tối ưu hoá mô hình logistics chuyên dụng dành cho nông sản phục vụ xuất khẩu.
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trao đổi, đàm phán với cơ quan chức năng Hoa Kỳ cho phép áp dụng thêm các biện pháp xử lý kiểm dịch khác như xử lý hơi nước nóng để tiết giảm chi phí và tận dụng nguồn lực và trang thiết bị hiện có.
Thị trường Hoa Kỳ mở ra nhiều cơ hội lớn cho trái cây Việt Nam. Tuy nhiên, để thành công, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư mạnh mẽ vào chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Với sự nỗ lực của cả doanh nghiệp và chính phủ, trái cây Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục được thị trường khó tính này.