Hồ Hùng Anh: “Thuyền trưởng” ngân hàng Techcombank và con đường khởi nghiệp từ mì gói, tương ớt
Ông Hồ Hùng Anh bán hết cổ phiếu tại Masan Nhìn lại năm 2022, những tỷ phú USD Việt Nam nào còn trụ lại? Lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 1.587 tỷ đồng |
“Đôi bạn thân” cùng tiến
Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970 vốn là người con gốc Huế nhưng sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã có thành tích học tập vô cùng xuất sắc.
Năm 1987, ông thi đỗ vào khóa 22 đào tạo kỹ sư Học viện Kỹ thuật Quân sự, sau một năm theo học với những thành tích nổi bật, ông đã vinh dự được Bộ Quốc phòng tuyển chọn đi du học ngành kỹ thuật quân sự tại Liên Xô. Tuy nhiên, khi Liên Xô tan rã, ông đã chuyển sang theo học ngành kỹ sư điện tử tại trường Đại học Bách Khoa Kiev (Ukraine).
Có thể nói Liên Bang Nga là dấu ấn quan trọng trong cuộc đời của doanh nhân Hồ Hùng Anh bởi mảnh đất này không chỉ là nơi ông được “chọn mặt gửi vàng” để đi du học mà còn là nơi ông đã đặt những “viên gạch” đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp vươn đến thành công như ngày hôm nay.
Chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) Kỹ thương Việt Nam Techcombank - Hồ Hùng Anh |
Bằng sự nhạy bén với thị trường và khả năng phán đoán, phân tích nhìn xa trông rộng, ông quyết định tấn công vào lĩnh vực đồ ăn nhanh, cụ thể là mì gói và tương ớt. Việc khởi nghiệp bằng hai mặt hàng còn mới tại thị trường Liên Bang Nga đã đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho doanh nhân Hồ Hùng Anh. Trong vòng 3 năm kể từ năm 1994 đến năm 1997, ông đã vươn lên vị trí Giám đốc Công ty SANMEX tại Liên bang Nga.
Những năm tháng tạo dựng sự nghiệp nơi đất khách quê người, thành công của doanh nhân gốc Huế không thể không kể tới sự giúp đỡ nhiệt tình, tận tâm và luôn ủng hộ, kề vai sát cánh của người bạn thân Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty SANMEX bấy giờ.
Vừa là bạn thân, vừa là những người cộng sự tâm đầu ý hợp, suốt chặng đường lập nghiệp hai vị doanh nhân đều tương trợ lẫn nhau và cùng thành lập nên Công ty Masan Rus Trading. Giai đoạn từ tháng 3/1997 đến tháng 6/2004, ông Hùng Anh đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc Công ty Masan Rus Trading.
Hai vị doanh nhân vừa là những đối tác chiến lược, cùng buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa các nước Đông Âu và Việt Nam, vừa cùng nhau tạo nên nhiều dấu ấn nổi bật, góp mặt trong nhóm những gương mặt doanh nhân người Việt tiêu biểu khởi nghiệp tại Nga.
Ngã rẽ đến hành trình đưa Techcombank “phi mã”
Sau một thời gian dài hoạt động tại Đông Âu và gặt hái được nhiều thành công vang dội, ông Hồ Hùng Anh quyết định trở về Việt Nam, về với quê hương dấu yêu. Khi ấy, ông vẫn tiếp tục hỗ trợ và dựng xây Tập đoàn Masan cùng người bạn thân Nguyễn Đăng Quang.
Trong quá trình vận hành, dẫn dắt tập đoàn ông liên tục giữ những chức vụ then chốt, quan trọng như: Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Masan; CEO Công ty hàng tiêu dùng Masan; CEO Công ty cổ phần Masan (trước là Công ty cổ phần đầu tư Masan).
Dưới bàn tay điều hành và nuôi dưỡng của “đôi bạn thân” Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang, Tập đoàn Masan phất lên như diều gặp gió, gặt hái được vô vàn thành công. Đặc biệt Masan đã vươn lên vị trí thứ 7 trong danh sách top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam vào năm 2016.
Đến năm 2005, doanh nhân Hồ Hùng Anh chính thức gia nhập HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Kỹ thương Việt Nam Techcombank. Thời điểm bấy giờ, ông vẫn đang giữ trọng trách là Phó Chủ tịch HĐQT tại Tập đoàn Masan. Đến tháng 5/2008, ông tiếp tục được bổ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Tuy nhiên đầu năm 2018, doanh nhân Hồ Hùng Anh quyết định từ bỏ mọi chức vụ đang có tại Masan, rời khỏi nơi mà ông đã có 10 năm gắn bó để tập trung phát triển Techcombank. Có thể nói quyết định này không chỉ là một ngã rẽ lớn trong cuộc đời của ông mà đây còn là tiền đề để mở ra một tương lai sáng rực, bứt phá “phi mã” của Techcombank.
Khi chính thức dồn toàn bộ tâm, trí và sức cho Techcombank, doanh nhân Hồ Hùng Anh đã lựa chọn bắt đầu thay đổi từ cách vận hành của ngân hàng nhằm mục đích đáp ứng sao cho phù hợp với thị trường lúc bấy giờ.
Đối với ông, việc lựa chọn khách hàng phải là ưu tiên hàng đầu, không cần số lượng, chỉ cần chất lượng. Ông cho biết, ngân hàng sẽ phát triển theo hướng lựa chọn, tập trung vào khách hàng tiềm năng, uy tín nhằm tạo ra các sản phẩm tương xứng - uy tín, chất lượng nhất, đủ khả năng cạnh tranh với những đối thủ đáng gờm khác trên thị trường. Đồng thời, với việc chú trọng trong vấn đề chọn lựa khách hàng, dù không nhiều nhưng phải chất lượng sẽ đảm bảo được việc kiểm soát rủi ro tốt.
Bên cạnh những chiến lược xây dựng mô hình kinh doanh cho ngân hàng, ông còn quan tâm đến văn hóa cơ quan, hướng đến một môi trường làm việc thoải mái, một trạng thái tinh thần tích cực và không ngừng đổi mới.
Doanh nhân Hồ Hùng Anh không ngần ngại trong việc sẵn sàng chi trả mức lương cao và áp dụng những chính sách đãi ngộ nhân viên tốt nhất để giữ chân người tài, người giỏi muốn ở lại cùng ông đóng góp vào hành trình dựng xây ngân hàng Techcombank ngày càng vững vàng, lớn mạnh.
Với tư duy lãnh đạo khác biệt, ông Hồ Hùng Anh đã đưa Techcombank phát triển thần tốc. |
Bằng những hiểu biết thực tế cùng vốn kinh nghiệm phong phú sau nhiều năm lặn lội gây dựng sự nghiệp với đủ lĩnh vực và tư duy lãnh đạo khác biệt được ông áp dụng khi điều hành Techcombank. Chỉ trong một thời gian ngắn, vị doanh nhân này đã khiến xã hội phải ngỡ ngàng khi tạo ra những bước phát triển thần tốc cho ngân hàng.
Và sau hơn 10 năm dẫn dắt và lãnh đạo, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam Techcombank dưới sự điều hành của ông Hồ Hùng Anh đã vượt sóng, vượt gió, vươn ra biển lớn, hiên ngang lên vị trí top đầu trong các ngân hàng đồng thời còn xuất sắc trở thành ngân hàng tư nhân Việt Nam đầu tiên đạt mức lợi nhuẩn khủng sau thuế lên đến 10.000 tỷ đồng.
Tính tới năm 2018, Techcombank đã đạt được lợi nhuận trước thuế là 10.661 tỷ đồng. So với năm 2013 tăng trưởng tới 86%, đứng thứ 2 trong các ngân hàng tại Việt Nam chỉ sau Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank.
Sự tăng trưởng vượt bậc này đã giúp Techcombank chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán, giúp ngân hàng huy động 923 triệu USD, cao thứ 2 trong năm chỉ sau sự kiện IPO của Vinhomes với 1,34 tỷ USD thu về.
Mới đây Techcombank cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2022. Theo báo cáo của ngân hàng, lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt mức 6,8 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 23,0%. Tổng thu nhập hoạt động quý I/2022 của Techcombank là 10,1 nghìn tỷ đồng, tăng 13,2 % so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập từ lãi đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ của Techcombank có thu nhập đạt 2,0 nghìn tỷ đồng, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước.
Thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) đạt 1,1 nghìn tỷ, thu nhập này chủ yếu là nhờ phí từ hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu tăng 132,5% và phí từ các dịch vụ IB khác tăng 41,0%. Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities) tiếp tục cung cấp thêm nhiều sản phẩm và dịch vụ mới để phục vụ với tập khách hàng tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy, thành công bứt phá, vang dội của Techcombank là “trái ngọt”, là minh chứng rõ ràng nhất cho tài năng, cách dùng người và tầm nhìn xa trông rộng sau từng ấy năm chinh chiến thương trường của Chủ tịch Hồ Hùng Anh – một vị lãnh đạo xuất sắc, một tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập, noi theo.