Hiệu quả của mô hình sản xuất lúa dùng phân bón NPK Cà Mau công nghệ polyphosphate
Thuế xuất khẩu phân bón nên áp dụng tạm thời, linh hoạt Phân bón Cà Mau nỗ lực trước thách thức và cơ hội mới |
Năng suất cao – giảm chi phí – tăng lợi nhuận, giải pháp toàn diện cho cây lúa đã được chính những hộ nông dân trải nghiệm và đúc kết sau khi sử dụng NPK Cà Mau công nghệ polyphosphate (siêu lân hữu hiệu). Đó cũng là chủ đề Hội thảo Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau phối hợp ban ngành địa phương tổ chức tại Đồng Tháp ngày 12/05/2023.
Ông Lê Văn Hùng ở Tam Nông, Đồng Tháp - một trong hàng trăm hộ nông sử dụng sản phẩm NPK Cà Mau polyphosphate chia sẻ |
Tham dự Hội thảo có ông Lê Quốc Điền – PGĐ Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Tấn Quốc – GĐ Trung tâm Khuyến Nông và Dịch vụ Nông nghiệp Tiền Giang, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ - Nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ - Chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp cùng hơn 150 đại diện nông dân tại địa phương và vùng lân cận. Đại diện PVCFC có TS Lê Hoàng Kiệt – Trưởng ban Dự án sản phẩm mới và Giải pháp DVNN.
Tại Hội thảo, hiệu quả của 59 mô hình sản xuất lúa sử dụng NPK Cà Mau – Công nghệ polyphosphate ở Tây Nam Bộ, trong đó có 16 mô hình tại Đồng Tháp đã được những người trực tiếp tham gia giới thiệu và chia sẻ. Cùng điều kiện thời tiết, cây giống, ruộng lúa sử dụng NPK Cà Mau công nghệ siêu lân hữu hiệu cho thấy những ưu điểm nổi trội toàn diện cho cả bộ rễ, thân, lá cũng như như bông và hạt lúa. Năng suất tăng hơn 11%, chi phí sản xuất giảm gần 1 triệu đồng/ha cùng lợi nhuận thu về tăng gần 5 triệu đồng (khoảng 23%).
Hội thảo với khoảng 150 nông dân khu vực Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An tham dự |
Ông Lê Văn Hùng (Tam Nông, Đồng Tháp) – một trong hàng trăm hộ nông trải nghiệm thành công sản phẩm NPK Cà Mau polyphosphate chia sẻ: “cảm nhận cây lúa của mình thay đổi tốt hơn qua từng chi tiết. So với ruộng đối chứng, ruộng dùng Phân Bón Cà Mau thấy lá đứng và xanh bền, hạn chế sâu bệnh đáng kể nhất là điều kiện khí hậu bất thường hiện nay. Dinh dưỡng thấm sâu, bộ rễ to khỏe và dài giúp cây luôn cứng cáp đến lúc thu hoạch không ngã rạp. Đặc biệt, ruộng trình diễn trổ đòng đồng loạt, hạt chắc và đều, thấy rất ham”.
Theo hướng dẫn của Phân bón Cà Mau, ông Hùng kết hợp công nghệ Drone phun phân bón trải đều mặt ruộng, từ đó giúp giảm gần 20% liều lượng so với cách truyền thống, đồng thời tiết kiệm thêm chi phí nhân công, giảm công sức, ông cũng nhàn hơn. Kết vụ Đông Xuân 2022, ông thu 7,26 tấn/ha cao hơn ruộng đối chứng 240kg/ha, lợi nhuận cao hơn 4.080.000 đ/ha.
Đó là một trong nhiều cá nhân tham gia Hội thảo, chia sẻ thành công khi biết chọn đúng giải pháp dinh dưỡng và mạnh dạn thay đổi kiểu làm cũ để cải thiện lợi nhuận.
Ông Ngyễn Đình Lê - Tân Hồng, Đồng Tháp bên mô hình năng suất cao |
Qua thực tiễn triển khai và từ góc nhìn chuyên môn, các chuyên gia đánh giá Urea Cà Mau và 2 dòng NPK Cà Mau polyphosphate (20-15-8; 18-6-18) khá phù hợp cho mục tiêu phát triển cây lúa bền vững. Việc ứng dụng phân bón công nghệ cao kết hợp kỹ thuật mới là tất yếu của nghề lúa trước những thách thức về giá vật tư, khí hậu, sức tiêu thụ và giá đầu ra. NPK Cà Mau với hàm lượng dinh dưỡng cao, đồng nhất trong từng hạt, phân giải chậm theo công nghệ polyphosphate.
Đặc biệt công nghệ này cũng giúp cho hạt phân có hàm lượng lân hữu dụng cao, cây trồng hấp thu dễ dàng hơn; các nguyên tố trung vi lượng, nhất là vi lượng trong đất trở nên hữu dụng cao hơn, cây lúa có điều kiện hấp thụ đầy đủ dưỡng chất và cân đối hơn theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển. Từ đó giúp cho hiệu quả sử dụng phân bón trên ruộng lúa cũng như năng suất gia tăng đáng kể.
Đại diện PVCFC, TS Lê Hoàng Kiệt cho biết sẽ cùng ban ngành nhân rộng hơn nhiều mô hình trong thời gian tới, giúp bà con tăng lợi nhuận để gắn bó hơn với nghề lúa, cũng là góp sức vào mục tiêu an ninh lương thực chung của quốc gia.