Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA): Giá hồ tiêu sẽ biến động trong thời gian tới
Giá hồ tiêu cao nhất 10 năm qua, nông dân kỳ vọng "được mùa được giá" Xuất hiện nhiều diễn biến mới, giá hồ tiêu sắp tới ra sao? Động lực nào giúp hồ tiêu bước vào đợt tăng giá mới? |
Theo nhận định của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các cây trồng khác như sầu riêng và cà phê, cùng với những ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu, đang là những nguyên nhân chính khiến giá hồ tiêu trở nên bất ổn.
Tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác trong nửa năm còn lại của VPSA diễn ra sáng 31/7, ông Lê Việt Anh - Tổng Thư ký VPSA, đã đưa ra những phân tích chi tiết về tình hình thị trường hồ tiêu. Theo ông Lê Việt Anh, giá hồ tiêu có thể tăng giảm đột ngột chỉ trong vòng một ngày, như trường hợp ngày 11/6 vừa qua, khi giá tăng mạnh 20.000 đồng/kg vào buổi sáng nhưng lại giảm mạnh vào buổi chiều. Ông phân tích, hồ tiêu ngày càng bị cạnh tranh bởi cây trồng khác. Diện tích trồng mới có nhưng không nhiều, chủ yếu trồng xen hồ tiêu với cà phê với tỷ lệ 6-2. Sản lượng vụ tới có thể tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm 2024. Lượng hàng tồn trong dân không còn nhiều, tình trạng sâu bệnh hại vẫn còn nhưng không đáng kể.
Thị trường hồ tiêu trải qua những biến động mạnh mẽ. Ảnh: PepperW |
Xuất khẩu hồ tiêu trong 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam đạt 142.500 tấn so với sản lượng thu hoạch năm 2024 đạt khoảng 170.000 tấn thì sản lượng còn lại ước đạt khoảng 28.000 tấn. Tồn kho vụ 2023 chuyển sang cộng với lượng nhập khẩunăm 2024 khoảng 40.000-45.000 tấn cho thấy nguồn hàng xuất khẩu từ tháng 8 cho tới cuối năm sẽ thấp hơn mọi năm. Ngoài ra, biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng El Nino và La Nina, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cây hồ tiêu như ngập úng, sâu bệnh, giảm năng suất.
Ông Lê Việt Anh cũng cho biết, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu El Nino vào đầu năm đã tục tác động đến việc canh tác sản xuất và duy trì vườn tiêu của người nông dân. Tuy nhiên, giá cây giống hồ tiêu tại một số tỉnh cũng tăng mạnh trung bình ở mức 20.000-25.000 đồng/cây do nguồn cung cấp giống cũng hạn chế.
Ngoài ra, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và tắc nghẽn cảng ở châu Á như ở Singapore và Malaysia ảnh hưởng đến giá cả tại các điểm đến và có thể gây ra sự chậm trễ trong vận chuyển. Các nhà phân tích dự kiến, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển có thể kéo dài đến tháng 8 năm nay. Từ đầu năm đến nay, giá cước đã tăng gấp 5 lần. Nhiều doanh nghiệp cảng dự báo thời gian tới, cùng với nguy cơ thiếu container rỗng, giá cước vận tải biển có thể tăng chạm ngưỡng thời điểm dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, sản lượng hồ tiêu sản xuất ở các quốc gia khác gồm Brazil, Indonesia dự báo giảm trong năm cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cho các tháng cuối năm 2024.
Về phía thị trường Trung Quốc, năm 2024 nền kinh tế tăng trưởng thấp hơn dự báo, nhu cầu chi tiêu của người dân thắt chặt hoặc lượng hàng tồn vẫn còn đủ dùng là một trong các nguyên nhân khiến Trung Quốc tiếp tục hạn chế thu mua từ Việt Nam.
Trong tháng 7, giá tiêu nội địa đạt 150.000 đồng/kg, tăng 82,9% so với thời điểm tháng 1 và tăng 120,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính trung bình giá tiêu đen 7 tháng tăng 66,5% so với năm 2023. Trong khi đó, giá xuất khẩu giá xuất khẩu tiêu đen tháng 6 đạt 5.000 USD/tấn, tăng tới 31,6% so với tháng 1 đạt 3.900 USD/tấn. Trung bình 6 tháng giá xuất khẩu tiêu đen tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Lê Việt Anh, giá tiêu tăng trong 3 tháng vừa qua bởi sản lượng thu hoạch giảm ở Việt Nam và Brazil khiến nguồn cung bị thiếu hụt.
Thị trường hồ tiêu đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Giá cả sẽ tiếp tục biến động trong thời gian tới. Các doanh nghiệp và người nông dân cần có những chuẩn bị kỹ lưỡng để thích ứng với tình hình mới.
Số liệu thống kê của VPSA cho biết, hiện Olam Việt Nam đang là doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu nhiều nhất Việt Nam; tiếp đó là Phúc Sinh; Nedspice Việt Nam...
Nguồn: VPSA |