Hàng trăm bị hại có mặt trong ngày đầu xét xử chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản
Công an Quảng Nam tiếp nhận hồ sơ về vụ Tập đoàn Mường Thanh thuê đất không qua đấu giá Sẽ xét xử Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản vào ngày 10/8 |
Theo đó, Tòa án Nhân dân (TAND) TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm với bị cáo Lê Thanh Thản - Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh do có hành vi lừa dối khách hàng trong vụ bán Tòa nhà chung cư CT6 Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội), thu lời bất hợp pháp số tiền hơn 480 tỷ đồng.
Bị cáo Lê Thanh Thản còn được biết đến với tên gọi khác là “Đại gia điếu cày”.
Đúng 9h sáng nay, “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản được người thân đưa vào phòng xử án tại tầng ba trụ sở TAND TP. Hà Nội. Bị cáo Thản mặc chiếc áo sơ mi cộc tay, quần âu và mái tóc bạc.
Bị cáo Lê Thanh Thản tại phiên toà xét xử sáng nay |
Sau khi vào tòa, “Đại gia điếu cày” ngồi hàng ghế đầu. 6 bị cáo còn lại đến tham gia tố tụng, ngồi phía sau bị cáo Thản.
Về phía bị hại, Hội đồng xét xử (HĐXX) ghi nhận hàng trăm người có mặt. Họ mang theo các loại giấy tờ, tài liệu liên quan những hợp đồng mua các căn hộ tại dự án CT6 Kiến Hưng.
Trong vụ án này, bị cáo Lê Thanh Thản bị truy tố về tội “Lừa dối khách hàng” theo quy định tại khoản 2, Điều 198 Bộ Luật hình sự.
Cùng hầu tòa với bị cáo Lê Thanh Thản là 6 bị cáo khác bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Đỗ Văn Hưng (cựu Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông), Nguyễn Duy Uyển và Bùi Văn Bằng (cùng là cựu Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng); Nguyễn Văn Năm (cựu Chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông), Vương Đăng Quân (cựu Phó Chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông) và Mai Quang Bài (cựu cán bộ Thanh tra xây dựng quận Hà Đông).
Thẩm phán Lưu Ngọc Cảnh làm chủ tọa phiên tòa. Hai kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử tại phiên tòa.
Theo cáo trạng truy tố, bị cáo Lê Thanh Thản là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Bemes. Công ty này được UBND TP. Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng bị cáo Thản đã chỉ đạo thi công vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng. Bị cáo Thản tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng sai phạm nghiêm trọng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Với khối nhà cao tầng, bị cáo Thản đã chỉ đạo tăng diện tích xây dựng, tăng chiều cao công trình, thay đổi công năng sử dụng. Công ty Bemes còn xây dựng tăng căn hộ và xây thêm một tòa CT6C không nằm trong quy hoạch được duyệt. Với khu nhà thấp tầng, Công ty Bemes tăng diện tích đất được xây dựng và số căn thấp tầng, vi phạm chỉ giới đường đỏ.
Từ tháng 3/2011, bị cáo Thản đã chỉ đạo cấp dưới quảng cáo thông tin gian dối về tính pháp lý của dự án để bán các căn hộ xây dựng trái pháp luật. Bị cáo Thản quảng cáo dự án đã được phê duyệt, thiết kế căn hộ và công trình tuân thủ các quy định về xây dựng, giá bán căn hộ đã bao gồm giá trị quyền sử dụng đất...
Nhiều khách hàng tin tưởng nên đã ký hợp đồng mua bán nhà với Công ty Bemes. Tại các hợp đồng của dự án, bị cáo Thản với vai trò Tổng giám đốc đã trực tiếp ký với khách hàng, cam kết các điều khoản với mục đích để họ tin tưởng nộp tiền mua căn hộ theo tiến độ thi công. Việc kinh doanh, ấn định giá bán căn hộ tại dự án đều do bị cáo Thản quyết định.
Theo đó, bị cáo Thản đã bán 488 căn hộ khi không được công nhận quyền sử dụng đất và qua đây thu lời bất chính số tiền hơn 480 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng xác định, để xảy ra sai phạm còn có sự thiếu trách nhiệm của nhóm cựu cán bộ phường Kiến Hưng và thanh tra xây dựng quận Hà Đông. Suốt quá trình dự án CT6 Kiến Hưng xây dựng, nhóm bị cáo trong vụ án này không thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn.
Trước ngày phiên tòa xét xử bị cáo Lê Thanh Thản, nhiều cư dân ở chung cư CT6C Kiến Hưng đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng cùng nội dung: Năm 2012, khi biết tin bị cáo Lê Thanh Thản quảng cáo về dự án chung cư CT6 Kiến Hưng giá rẻ, phục vụ được phần đông người lao động có thu nhập không cao, nhiều người sử dụng tiền tích cóp và cố gắng vay mượn ngân hàng, người thân để có thể mua được căn hộ chung cư.
Sau khi hoàn tất thủ tục mua bán căn hộ, các cư dân đã nhiều lần ý kiến bằng văn bản đề nghị bị cáo Lê Thanh Thản và Công ty Bemes nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cư dân.
Cư dân cũng có văn bản khiếu nại và đề nghị giải quyết sự việc gửi đến UBND quận Hà Đông, Thanh tra xây dựng quận Hà Đông, Sở Xây dựng TP. Hà Nội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, nhưng không nhận được phản hồi.
Các cư dân ở chung cư CT6C Kiến Hưng làm đơn kiến nghị với lý do, nếu yêu cầu được cấp sổ đỏ của họ mà bị tách ra để giải quyết trong một vụ án dân sự khác thì họ rất thiệt thòi.
Cụ thể là khi đó, các cư dân sẽ phải tiếp tục việc kiện tụng pháp lý vất vả, tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, mà chưa thể biết được đến thời điểm nào quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các hộ dân mới được đảm bảo.
Toàn cảnh phiên toà xét xử |
Trong đơn kiến nghị, các cư dân mong muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền trên đất cho các căn hộ của Tòa chung cư CT6C Kiến Hưng.
Trong trường hợp các căn hộ của Tòa chung cư CT6C Kiến Hưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền trên đất, các cư dân yêu cầu bị cáo Lê Thanh Thản và chủ đầu tư phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thật thỏa đáng cho các bị hại để khắc phục hậu quả do bị cáo Lê Thanh Thản gây ra.
Các cư dân kiến nghị, nếu gần 500 hộ dân cư buộc phải trả lại căn hộ đã sinh sống ổn định suốt hơn 11 năm qua mà chỉ được bị cáo Lê Thanh Thản trả lại số tiền theo hợp đồng mua bán căn hộ thì đây là thiệt hại rất lớn cho các cư dân. Bởi, với số tiền theo hợp đồng mua bán căn hộ thì ở thời điểm hiện tại, các cư dân không thể mua được một căn hộ tương đương ở cùng khu vực quận Hà Đông.
Liên quan đến sự việc này, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở chỉ có thể được thực hiện nếu như tòa nhà đó, căn hộ đó phù hợp với quy hoạch, hoặc có thể điều chỉnh quy hoạch và đặc biệt là phải đảm bảo yếu tố an toàn, hợp lý về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, đảm bảo các yếu tố về an sinh xã hội.
Đối với dự án này, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, vụ việc đã được chuyển đến tòa án để giải quyết bị cáo Lê Thanh Thản về tội “Lừa dối khách hàng” nên cơ hội để được hợp thức hóa, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ là rất khó khăn.
Theo quy định của pháp luật, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất là thủ tục hành chính, thuộc quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Được biết, tháng 11/2019, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Nam Hà Nội xác nhận, bảo lãnh số tiền 530 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho bị cáo Lê Thanh Thản tại Dự án CT6 Kiến Hưng. Cụ thể là các sổ tiết kiệm trị giá 530 tỷ đồng thuộc sở hữu của bà Hoàng Thị Huệ (vợ bị cáo Lê Thanh Thản).
Hôm nay xét xử “đại gia điều cày” Lê Thanh Thản Hôm nay 10/8, TAND Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản với cáo buộc lừa dối 488 khách hàng. |