Hà Tĩnh: Thị trường bán lẻ tăng trưởng tích cực
Thị trường bán lẻ hút vốn ngoại Các “ông lớn” tăng đầu tư, thị trường bán lẻ Việt Nam kỳ vọng khởi sắc |
Phục hồi tích cực
Mặc dù thị trường bán lẻ vẫn đang phải chịu tác động nhất định từ khó khăn của nền kinh tế, song số liệu mới nhất của cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2023 doanh thu ước đạt gần 4.686 tỷ đồng, tăng 4,63% so với tháng trước và tăng 17,51% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, 4 tháng đầu năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa dự tính đạt trên 18.797 tỷ đồng, tăng 21,55% so với cùng kỳ năm trước.
Các siêu thị điện máy kỳ vọng sức mua sẽ tăng cao trong dịp hè. |
Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Tĩnh, thông thường, sau kỳ nghỉ tết là giai đoạn thấp điểm của thị trường bán lẻ do nhu cầu mua sắm của người dân hạn chế. Tuy nhiên, kể từ tháng 3, khi các hoạt động du lịch nhộn nhịp hơn sẽ góp phần tạo đà sôi động cho thị trường bán lẻ. Đặc biệt, trong kỳ nghỉ lễ 5 ngày vừa qua, với các chương trình ưu đãi kích cầu của doanh nghiệp phân phối, bán lẻ, thị trường bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đã có nhiều khởi sắc. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa 4 tháng của Hà Tĩnh tăng 21,55%. Đây là con số khả quan trong bối cảnh thị trường vẫn phải đối mặt với nhiều sức ép lạm phát, chi tiêu của người dân sụt giảm.
Đáng chú ý, nhiều nhà bán lẻ ghi nhận mức doanh thu tăng trưởng. Điển hình là doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 4/2023 tại các trung tâm thương mại, siêu thị đạt 29,4 tỷ đồng, tăng 73,19% so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử, tại hệ thống siêu thị Winmart, trong tháng 4, sức mua tại siêu thị đã phục hồi trở lại so với 2 tháng trước đó. Đặc biệt, những ngày trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5, lượng khách đến siêu thị đông đúc, sức mua hàng hóa tăng hơn 70% so với ngày thường. Còn hệ thống chuỗi cửa hàng tiện ích Winmart+ tại tỉnh Hà Tĩnh trong tháng 4/2023 có 2 cửa hàng Winmart+ tại Hà Tĩnh được khai trương, nâng tổng số cửa hàng Winmart+ trên toàn tỉnh lên con số 42, “phủ sóng” về đến khu vực nông thôn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Mục tiêu trong năm 2023, trên địa bàn Hà Tĩnh sẽ có 50 cửa hàng Winmart+.
Nhận định về thị trường bán lẻ thời gian tăng trưởng vừa qua, Trưởng phòng Thống kê kinh tế, Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh Trần Hoài Nam, cho rằng tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm tăng cao so cùng kỳ năm trước nhờ yếu tố dịch bệnh COVID-19 được khống chế nên nền kinh tế phát triển ổn định, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng. Cùng đó, nhiều mặt hàng giá cả tăng mạnh so với cùng kỳ.
Sức mua tăng, hoạt động bán lẻ sôi động là những tín hiệu tốt, tạo phấn khởi cho các tiểu thương, doanh nghiệp phân phối, bán lẻ, đồng thời góp phần tăng trưởng cho ngành thương mại - dịch vụ và kinh tế ở Hà Tĩnh nói chung.
Đổi mới kinh doanh theo xu hướng thị trường
Dù đánh giá thị trường bán lẻ sẽ phục hồi, song Cục thống kê tỉnh Hà Tĩnh nhận định, biến động rõ nét nhất so với cùng kỳ ở các nhóm mặt hàng thiết yếu và chiếm tỷ trọng doanh thu cao như lương thực, thực phẩm tăng 28,34%; may mặc tăng 35,99%; đồ dùng, thiết bị gia đình tăng 33,81%; xăng dầu các loại tăng 37,02%...Còn có 2 nhóm hàng có doanh thu giảm so với cùng kỳ đó là nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) giảm 16,01%; phương tiện đi lại khác giảm 36,02%, nguyên nhân chủ yếu do đây là các mặt hàng xa xỉ, nguồn vốn huy động hạn chế do lãi suất tín dụng đang ở mức cao cũng như lượng vốn đang mắc tại thị trường bất động sản.
Ngành bán lẻ kỳ vọng thị trường khởi sắc, sức mua “tăng nhiệt” trong các kỳ nghỉ lễ và vào mùa du lịch. (ảnh: BHT) |
Nhưng nhìn chung, tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm tăng mạnh so cùng kỳ năm trước. Mức tăng chủ yếu do ảnh hưởng bởi yếu tố giá cả tăng mạnh ngoài ra, do sức mua tăng do tính chất mùa vụ: thời tiết đã chuyển mùa nhu cầu mua sắm quần áo, các đồ dùng dụng cụ gia đình như điều hòa, quạt điện…thiết bị làm mát tăng. Đặc biệt nhóm vật liệu xây dựng do thời tiết thuận lợi cho khởi công các công trình xây dựng giao thông, nên sản lượng hàng hóa bán lẻ vật liệu xây dựng sắt, thép, xi măng tăng.
Đặc biệt, doanh nghiệp bán lẻ phải cân nhắc hơn trong việc phát triển số lượng, thay vào đó tập trung vào chất lượng; đồng thời chuẩn bị cho chuyển đổi số, số hóa để tạo nền tảng phát triển bền vững hơn. Cuối cùng là xu hướng online hóa, thương mại hóa, điện tử hóa và doanh nghiệp bán lẻ truyền thống sẽ chuyển đổi qua bán lẻ online nhiều hơn. Với những thay đổi trên, các chuyên gia cho rằng, các nhà bán lẻ cần tung nhiều chương trình giảm giá và tiếp thị để đối phó với lạm phát; cần thay đổi chiến lược kinh doanh và thận trọng hơn trong việc triển khai mở mới cửa hàng cũng như phân khúc kinh doanh mới.
Theo đó, trong dịp lễ Tết thời gian qua, các trung tâm thương mại, siêu thị, đại lý phân phối lớn ở Hà Tĩnh như: Vincom Plaza, Co.opmart, showroom Honda ô tô của Kim Liên Group, Toyota Phú Tài Đức, Nissan Hà Tĩnh, chuỗi cửa hàng Vinmart+, siêu thị Co.opmart…liên tục có những đợt khuyến mãi lớn. Chẳng hạn như ngay sau Tết Nguyên đán 2023, dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4-1/5 vừa qua các đơn vị này đã thực hiện đợt khuyến mãi đầu năm, tập trung vào ngành hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu với mong muốn kích cầu. Ngoài ra, việc mở rộng mạng lưới cửa hàng tiện ích, siêu thị mini, hình thành phố ẩm thực, chuỗi nhà hàng kinh doanh ăn uống gắn với khai thác du lịch sinh thái ở đia phương này… cũng đã góp phần đa dạng hóa loại hình, phát triển lĩnh vực thương mại - dịch vụ và làm tăng doanh thu ngành bán lẻ.
Ông Võ Tá Nghĩa – Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh chia sẻ: “Ngành bán lẻ là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, vừa phục vụ tiêu dùng, vừa thúc đẩy sản xuất. Ngành bán lẻ tăng trưởng ổn định phản ánh sự phát triển và quy mô ngày càng lớn của nền kinh tế toàn tỉnh, chứng tỏ mức thu nhập của người dân đang ngày càng tăng lên.
Với quá trình “lên ngôi” của thương mại điện tử, thị trường bán lẻ tiêu dùng giai đoạn tới sẽ chứng kiến các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ và phát triển kênh bán hàng online, kèm các hậu mãi, tiện ích, đón đầu mảng kinh doanh nhiều tiềm năng này”.