Hà Nội nỗ lực giảm thiểu số vụ tai nạn lao động
Hà Nội đặt mục tiêu giảm tai nạn lao động trong các ngành có nguy cơ cao
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu xảy ra các vụ tai nạn lao động trong thời gian qua là do người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động; người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động; người lao động vi phạm các quy trình đảm bảo an toàn lao động.…
Chính vì vậy, từ đầu năm 2014 đến nay, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động về ATVSLĐ như: Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn tại 90 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố; đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra các đơn vị, DN về công tác ATVSLĐ. Qua công tác thanh kiểm tra, sở đã ra quyết định xử phạt 22 DN vi phạm các quy định của pháp luật về lao động với số tiền là 147,45 triệu đồng.
Bên cạnh đó, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan báo, đài cung cấp hàng trăm tin, bài phục vụ công tác tuyên truyền về ATVSLĐ. Đồng thời, cung cấp trên 40.000 tờ rơi, tài liệu về ATVSLĐ cho các đơn vị, DN trên địa bàn thành phố, nhất là các DN vừa và nhỏ, các làng nghề. Ngoài ra, Sở Lao động Thương binh và Xã hội còn phối hợp với nhiều quận, huyện tổ chức các lớp tập huấn về ATVSLĐ cho chủ sử dụng lao động và người lao động trong các DN tại địa phương.
Đặc biệt, việc tổ chức thành công Lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ năm 2014 tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Đông Anh (Hà Nội) đã thu hút sự hưởng ứng tích cực từ người đứng đầu của các DN, các cơ sở sản xuất kinh doanh đến những người công nhân, lao động. Trong tuần lễ này, Hà Nội đã kiểm tra 50 DN về ATVSLĐ, đình chỉ hoạt động thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ của 17 DN và đưa ra 530 kiến nghị cho các DN về công tác ATVSLĐ. Nhờ đó, điều kiện làm việc của người lao động trong các DN ngày càng được quan tâm, cải thiện hơn.
Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Hà Nội Đặng Minh Thuần cho biết, năm 2014, các cấp công đoàn thủ đô cũng tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động đối với công tác ATVSLĐ như tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo; tổ chức khám sức khoẻ, tập huấn về công tác ATVSLĐ, tiến hành các hoạt động kiểm tra và tự kiểm tra về công tác ATVSLĐ; thăm hỏi động viên những gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp và các hoạt động chăm lo cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động tại DN.
Mục tiêu UBND TP.Hà Nội đặt ra là giảm 5% tần suất tai nạn lao động hàng năm, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động như xây dựng, điện…, giảm 10% số người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp phổ biến, trên 80% người lao động được tập huấn về ATVSLĐ. Để đạt được mục tiêu này, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ của các tổ chức, DN và các cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, trong công tác tuyên truyền về ATVSLĐ nên tạo điểm nhấn liên tục trong năm, có chủ đề rõ ràng, chứ không chỉ riêng một tuần lễ ATVSLĐ quốc gia.
Đặc biệt, Hà Nội có nhiều lao động tự do từ các tỉnh về làm việc, vì vậy nên có truyền thông và tuyên truyền ở các bến xe lớn. Đổi mới phương pháp huấn luyện ATVSLĐ theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện. Mặt khác, để hạn chế tai nạn lao động, người sử dụng lao động phải tăng cường tự kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh ngay việc thực hiện pháp luật lao động về bảo hộ lao động, an toàn lao động.…/.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn TP.Hà Nội xảy ra 95 vụ tai nạn lao động, trong đó có 21 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Các vụ tai nạn lao động được điều tra kết luận chính xác, kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. |
Quỳnh Nga