Hà Nội: Khẳng định điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài
Hà Nội kiểm tra 81 dự án đầu tư, tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài Bất động sản công nghiệp là "điểm sáng" trong thu hút vốn FDI |
Đến cuối năm 2022, TP Hà Nội đã thu hút mới trên 4.500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD. Hà Nội luôn đứng đầu trong cả nước về thu hút vốn FDI, tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài nhờ bảo đảm được môi trường đầu tư bền vững và đầy triển vọng.
Tích cực hội nhập quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư
Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, giai đoạn 2008-2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động gần 4,04 triệu tỷ đồng, tăng hàng năm 11,04%. Cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét, khu vực nhà nước giảm từ 51% năm 2010 xuống còn khoảng 34,3%; khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh, từ 35,3% lên khoảng 54,8%.
Luỹ kế đến 2022, đã thu hút mới trên 4.500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD. TP Hà Nội luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư. Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.
UBND TP Hà Nội chính thức quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ ngày 1/8 |
7 tháng năm 2023, toàn TP thu hút 2.282 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 233 dự án với số vốn đạt 97,5 triệu USD, 108 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 193,5 triệu USD, 190 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 1.991 triệu USD. Chỉ trong tháng 7/2023, TP Hà Nội đã có 37 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 22,2 triệu USD. Cùng với đó là 18 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 24,5 triệu USD; 1 dự án điều chỉnh giảm vốn 40 triệu USD (Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử Meiko tại Khu công nghiệp Quang Minh); nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 19 lượt, đạt 10,4 triệu USD.
Các nước có số dự án đầu tư lớn vào Hà Nội là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu và Mỹ... Dự án tập trung vào các lĩnh vực như kinh doanh bất động sản; công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng; dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống; y tế và giáo dục...
Từ khi được mở rộng, kinh tế Thủ đô giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước. Hà Nội đã chủ động phát triển về mọi mặt kinh tế xã hội. Điển hình, du lịch trên địa bàn Thủ đô được chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, được xếp hạng trong nhóm 10 TP có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.
Bên cạnh đó, môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện, TP đã ban hành và thực hiện các kế hoạch hàng năm về: cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư... TP kịp thời đối thoại, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để tìm cách hỗ trợ nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh bằng các giải pháp quyết liệt, hiệu quả.
Trong giai đoạn 2015 - 2022, Hà Nội tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, quan hệ đối ngoại tăng cường quảng bá văn hóa, giao lưu hữu nghị, góp phần thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài. Đến nay, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, TP lớn trên thế giới, đồng thời duy trì vai trò tích cực trong các khuôn khổ hợp tác đa phương.
Những yếu tố trên khiến các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt niềm tin đầu tư vào Hà Nội. Đây cũng là tiền đề để Hà Nội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường hội nhập quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế Thủ đô, đưa Hà Nội xứng tầm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế và ngoại giao, góp phần thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch…
Công nghệ cao, điểm nhấn thu hút FDI của Hà Nội
Điểm nhấn Hà Nội được đánh giá là địa phương có môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. TP không chỉ tập trung xây dựng các chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư mà còn đẩy mạnh hoàn thiện các khu công nghiệp, nhất là khu công nghệ cao.
Hà Nội luôn chú trọng phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT (đạt khoảng 320.000 tỷ đồng), với khoảng gần 8.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin và có 02/05 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước.
Với nhiều tiềm năng và lợi thế, vị trí chiến lược của mình, Hà Nội đang vươn lên thành trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo, dịch vụ, sản xuất công nghệ cao trong khu vực Đông Nam Á, mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh cho DN Hàn Quốc trong lĩnh vực môi trường, năng lượng sạch, phát triển hạ tầng, dịch vụ tài chính, nghiên cứu và phát triển (R&D)... Hà Nội đã đóng góp gần 10% giá trị kim ngạch thương mại cũng như kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn quốc, chiếm 25% tổng số dự án và 10% tổng vốn FDI của riêng Hàn Quốc vào Việt Nam. (Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Việt Anh) |
Vì vậy, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp FDI đầu tư tại Hà Nội đánh giá cao việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nói chung, của Hà Nội nói riêng, đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, các tập đoàn FDI lớn khẳng định lựa chọn Hà Nội là nơi để mở rộng đầu tư, kinh doanh trong những năm tới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Cuối tháng 6 vừa qua, Tập đoàn N&G (Việt Nam) và Tập đoàn SEIN I&D (Hàn Quốc) đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng "Tổ hợp Techno Park Việt Nam-Hàn Quốc" tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội. Tổ hợp Techno Park Việt Nam-Hàn Quốc có quy mô 200 ha với các phân khu sản xuất, khu nghiên cứu phát triển (R&D), khu nhà ở, khu logistics... Từ Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, các nhà đầu tư Hàn Quốc đặt mục tiêu sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng các tổ hợp sản xuất tại các địa phương khác, qua đó tăng cường hợp tác đầu tư giữa hai quốc gia.
Các tập đoàn công nghệ lớn đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Hà Nội tương tự như Tập đoàn Samsung nhấn mạnh, hướng đi này có nhiều thuận lợi trong bối cảnh Hà Nội là nơi tập trung 82% trường đại học, 65% cán bộ khoa học cao cấp nhất, 80% tiềm lực nghiên cứu khoa học - công nghệ trọng điểm của cả nước
Mục tiêu của Hà Nội là phấn đấu thu hút 30 - 40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; vốn giải ngân đạt 20 - 30 tỷ USD trong giai đoạn 2021 – 2025. Các chuyên gia đánh giá, với số vốn FDI đăng ký trên 33 tỷ USD tính đến cuối năm 2022 thì khả năng Hà Nội sẽ vượt mục tiêu đề ra.
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội đang trong giai đoạn phát triển quan trọng là xây dựng lại Luật Thủ đô, có 2 quy hoạch phát triển Thủ đô đến năm 2045 và tầm nhìn 2065. Theo đó, Hà Nội đã xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác các lợi thế của Thủ đô cũng như các thế mạnh của các tỉnh, TP trong vùng như lĩnh vực bất động sản, hạ tầng thương mại, ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiêu hao ít năng lượng.
Trên cơ sở đó, TP ưu tiên thu hút FDI chọn lọc các dự án chất lượng, sản phẩm giá trị gia tăng có tính cạnh tranh cao từ các tập đoàn quy mô lớn, xuyên quốc gia, một số lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng trong thời gian tới như nông nghiệp, du lịch, giáo dục - y tế, những ngành then chốt như dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sinh học… giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất gắn với đào tạo nhân lực. Ðây là nền tảng quan trọng để TP đạt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo.
Cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Hà Nội chú trọng phát triển nền tảng số, minh bạch thông tin, hướng đến phát triển kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại... Bằng chính sách ưu tiên thu hút đầu tư và thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ… tin rằng Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế đứng đầu cả nước trong thu hút đầu tư FDI, giữ chân những nhà đầu tư lớn và các tập đoàn đa quốc gia. (TS Nguyễn Minh Phong) |