Giải pháp nào để nâng cao chất lượng công tác xây dựng nhà ở xã hội?
Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” đã cho thấy những kết quả tích cực sau gần 1 năm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển nhà ở xã hội vẫn còn những hạn chế.
Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội. Ảnh minh họa |
Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, việc phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với quá trình thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa của đất nước và từng địa phương; sự lãnh đạo, chỉ đạo có lúc, có nơi chưa kịp thời, kiên quyết. Một số nơi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác phát triển nhà ở xã hội, chưa thực sự chú trọng ưu tiên bố trí quỹ đất và nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội. Ngoài ra hệ thống các cơ chế, chính sách và pháp luật về nhà ở xã hội chậm được đổi mới, chưa thực sự bảo đảm yêu cầu về đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả,…
Để mở rộng và nâng cao chất lượng công tác xây dựng nhà ở xã hội, tại Đề án trình Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đã đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đáng chú ý, một trong những giải pháp đó là huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội, trong đó tập trung ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước từ Trung ương và địa phương tương xứng, kịp thời để bảo đảm thực hiện các mục tiêu về nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội.
Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho các địa phương sử dụng một phần tiền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở thương mại thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở, hạ tầng kỹ thuật khung cho các dự án nhà ở xã hội tại địa phương. Mở rộng nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội từ quỹ đầu tư phát triển địa phương, nguồn vốn từ nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội; nghiên cứu, thúc đẩy hình thành các định chế tài chính để phát triển nhà ở xã hội.
Có cơ chế chính sách nhằm huy động nguồn lực của xã hội, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, bất động sản lớn trong nước; các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội.
Bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách cho vay phát triển nhà ở xã hội; thực hiện cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định để cho cá nhân và doanh nghiệp vay phát triển nhà ở xã hội; tiếp tục mở rộng triển khai chương trình cho vay ưu đãi đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội theo chính sách về nhà ở xã hội.
Một trong những giải pháp đáng chú ý nữa là nâng cao vai trò, năng lực quản lý Nhà nước đối với phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản các cấp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai nhà ở xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo các quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại được sử dụng đúng mục đích. Giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư nhà ở xã hội đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, kịp thời xử lý những sai phạm;
Đôn đốc các chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại triển khai đầu tư xây dựng trên quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt. Nghiên cứu, hình thành mô hình doanh nghiệp nhà nước chuyên về đầu tư, phát triển nhà ở xã hội.
Đẩy nhanh hoàn thành xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trong đó có nhà ở xã hội.